Ngày 10-4, UBND TP HCM có công văn khẩn gửi UBND 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh về sử dụng nguồn cát tại hồ Dầu Tiếng cho Dự án đường Vành đai 3 TP HCM.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị UBND 3 tỉnh trên cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho Dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác...); phối hợp lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng.
Một đoạn đường Vành đai 3 đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Ảnh: NLĐO
Trước đó, để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư dự án) rà soát, khảo sát khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có thể cung cấp cho dự án.
Theo ước tính, khối lượng vật liệu xây dựng thông thường cần thiết phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 bao gồm 4 loại: đất đắp nền đường 1.678.282 m3; cát đắp nền đường 7.233.663 m3; cát xây dựng 1.497.056 m3; đá xây dựng 4.404.322 m3
Hiện nay, vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án. Tuy nhiên về cát đắp nền đường còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung.
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn 1). Tuyến Vành đai 3 dài 76 km là công trình liên vùng, đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tuyến đường được dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm.
Dự án có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối liên vùng (kết nối Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chính phủ đã xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò "đầu tàu", dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước. Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 kết nối trực tiếp TP HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và kết nối liên vùng với các tỉnh khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận (0)