Chiều 14-2, tại TP HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến 2 dự thảo luật chiều 14-2 tại TP HCM.
Đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu ủng hộ phương án (phương án 2 của dự thảo) không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng không nên thêm quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư để bảo đảm tính ổn định của chính sách hiện hành.
Theo đó, việc cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư tiếp tục được thực hiện như theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. "Mặc dù nhà chung cư hết niên hạn sử dụng và phải phá dỡ nhưng người dân vẫn được bồi thường theo hệ số từ 1 đến 2 lần" - luật sư Hậu nói.
Cũng theo luật sư Hậu, Nhà nước chỉ hạn chế quyền sở hữu của người dân trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, cách thức quy định theo hướng hạn chế quyền sở hữu của người dân như tại dự thảo trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này, là chưa phù hợp.
"Quyền sở hữu là vĩnh viễn nhưng vấn đề là Nhà nước có chính sách bồi thường cho người dân có căn nhà mới cho phù hợp" - luật sư Hậu nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cho rằng việc xác lập sở hữu nhà chung cư căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình (niên hạn) theo quy định của pháp luật về xây dựng còn có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của người dân, chưa phù hợp với chế định bảo vệ quyền sở hữu trong hiến pháp, Bộ Luật Dân dự và các luật liên quan.
Theo ông Huy, quy định về thời gian sở hữu chung cư sẽ phát sinh hàng loạt các vấn đề cần lưu ý, xử lý và đánh giá kỹ lưỡng, như: Tâm lý thị trường không thích mua nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà chung cư; tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng.
"Ngoài ra, còn phát sinh các vấn đề pháp lý như quyền sử dụng đất ổn định lâu dài nhưng quyền sở hữu nhà ở có thời hạn là không thực sự phù hợp trong khi nhà và đất gắn liền với nhau. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất có quy định về thời hạn sử dụng hay không" – ông Nguyễn Vinh Huy nói.
Theo ông Huy, mục đích của việc sở hữu có thời hạn là để chủ động phá dỡ chung cư để xây mới. Để đạt được mục đích này thì có thể lựa chọn giải pháp thay thế khác, tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, đơn cử như niên hạn sử dụng nhà chung cư.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết nói sẽ góp ý với Bộ Xây dựng để làm rõ hơn về vấn đề quyền sử dụng đất và bồi thường căn hộ mới khi phá dỡ chung cư cư để tránh hiểu nhầm.
Không để phát sinh tâm lý bất an
Góp ý cho dự thảo, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng dự thảo không còn sử dụng các khái niệm gây tranh cãi như "sở hữu nhà chung cư có thời hạn", hoặc "gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư" như trong các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đây.
Nhưng dự thảo lại thay thế bằng các quy định về "quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư" hoặc "UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý", hoặc "xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu", mà thực chất là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn giữ quan điểm "sở hữu nhà chung cư có thời hạn".
Vì vậy, cần phải được tiếp tục xem xét thận trọng các quy định này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân mong muốn được "sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lầu dài" và để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, không làm phát sinh tâm lý bất an trong xã hội.
Bình luận (0)