Phát biểu đầu tiên, cử tri Lê Đình Vũ, phường Tân Định, đặt vấn đề: “Vì sao đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng luôn trong tình trạng nghẽn?".
Dù là người đặt câu hỏi nhưng ông Vũ thử lý giải xem có đúng không với cách đặt vấn đề: "Sau 2 ngày ra đời, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 2.000 cuộc điện thoại, tin nhắn từ người dân. Phải chăng trước đây, những bức xúc của dân không được giải quyết, thậm chí không được tiếp nhận nên đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng ra đời như là “chiếc phao” để người dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình?".
Cử tri Lê Đình Vũ mong muốn đại biểu Quốc hội quan tâm giải quyết các bức xúc của dân
Liên hệ trực tiếp chuyện của mình, ông Vũ cho biết trong năm 2015, ông đã gửi rất nhiều đơn, thư phản ánh lên đại biểu Quốc hội, lên cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo nhà nước về tình trạng giám sát luật còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả nhưng không ai, không cơ quan nào trả lời.
“Tại sao không trả lời cho dân biết? Đúng hay sai cũng phải trả lời cho dân biết. Có phải cơ quan tham mưu tự xử lý mà không báo cấp trên hoặc bản thân lãnh đạo cũng không biết?” - ông Vũ bày tỏ và đề nghị đại biểu Quốc hội phải quan tâm giải quyết, có trách nhiệm với những vấn đề bức xúc của dân, cử tri.
Đồng tình, ông Nguyễn Minh Hoan, cử tri phường Tân Định, cho biết ông nhiều lần gọi vào đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng nhưng đều báo bận. “Rõ ràng trong dân còn rất rất nhiều bức xúc mà cơ quan chức năng không giải quyết cho họ hoặc không giải quyết đến nơi đến chốn nên dễ hiểu vì sao đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng luôn trong tình trạng nghẽn” – ông Hoan lý giải.
Từ thực tế đó, ông Hoan đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội ở TP HCM cũng như tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách trong kỳ tới. Ông Hoan mong muốn đại biểu Quốc hội phải đi tiếp xúc với cử tri nhiều hơn, lắng nghe cử tri nhiều hơn.
Cùng mong muốn đó, cử tri Phạm Bá Lữ, phường Đa Kao, nói: “Đại biểu Quốc hội phải “vi hành” nhiều hơn nữa, chứ việc tổ chức gặp gỡ như thế này vẫn còn hình thức lắm. Đa số cử tri được ngồi đây cũng là cán bộ, chứ thật “dân” thì rất ít. Đại biểu Quốc hội phải xuống từng ngõ ngách, xóm làng để gặp dân, nghe dân nói, phản ánh rồi giải quyết những bức xúc cho dân”.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đây là phiên tiếp xúc cử tri cuối cùng của nhiệm kỳ. Chủ tịch nước cũng tỏ thái độ vui mừng vì hôm nay cử tri đến đông đủ. “May mắn vì hôm nay cả 3 vị đại biểu Quốc hội đều có mặt đầy đủ, anh Phước (đại biểu Hoàng Hữu Phước – PV) hết ốm rồi. Tôi sợ nhất là người ta nói "chợ chiều", những buổi tiếp xúc cuối cùng dễ "chợ chiều" lắm” - Chủ tịch nước bày tỏ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) tiếp xúc cử tri quận 1 sáng 3-3
Nói về ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: “Cử tri ở quận 1 nói riêng và TP HCM rất nhiệt tình, đóng góp rất nhiều ý kiến hữu ích”.
Theo Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã cố gắng làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình nhưng cũng còn những việc tồn đọng. “Bàn giao của cải cho nhiệm kỳ sau thì nên nhiều, còn tồn đọng thì ít thôi” – Chủ tịch nước tâm sự, đồng thời mong cử tri TP HCM sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức đủ tài để làm đại biểu Quốc hội, cũng như tin tưởng các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới sẽ làm tốt hơn.
Tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV vào tháng 7-2016, đại biểu khóa XIII mới hết nhiệm kỳ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết những gì còn tồn đọng thì cử tri cứ đến gặp các đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến. Ông cùng với các đại biểu sẽ đưa ý kiến của cử tri vào diễn đàn Quốc hội.
Bình luận (0)