Trước đó, tháng 12-2022, UBND thành phố trình lên Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
Dự thảo lần này có nhiều cập nhật so với bản trình Chính phủ vào tháng 12-2022, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.
Phương án một: Thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình (gọi tắt là nhà, đất thứ 2 trở lên) trên địa bàn thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng.
Phương án hai: Thành phố đề xuất trung ương chấp thuận tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
TP HCM kiến nghị được thu thuế nhà, đất thứ hai trở lên; Ảnh: Hoàng Triều
Mức tăng do HĐND thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành).
Đồng thời, HĐND thành phố quyết định tăng tỉ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2% và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ 500 triệu đồng lên 1 tỉ đồng.
Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương.
Phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên từng được nêu trong dự thảo chính sách thay thế Nghị quyết 54/2017 mà UBND thành phố gửi Chính phủ hồi tháng 12-2022.
Theo thành phố, cách làm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. Đề xuất được nhiều người dân quan tâm, theo dõi.
Trong các nhóm đề xuất mới liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, thành phố cũng đề xuất được hưởng 30% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn.
Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo sẽ được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.
Trước đó, vào ngày 24-11-2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết với 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để "siêu đô thị" bứt phá đi lên.
Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện...
Bình luận (0)