Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định việc Việt Nam được Đại hội đồng LHQ bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa hết sức to lớn, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ đây là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới. Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam với việc lần thứ hai tham gia Hội đồng Nhân quyền sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, đến nay Việt Nam đã tham gia vào nhiều trụ cột lớn của LHQ, từ chính trị, phát triển cho đến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Việt Nam khi tham gia LHQ nói riêng và tham gia thúc đẩy, nâng tầm vị thế của ngoại giao đa phương nói chung, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Việc Việt Nam đạt được những kết quả này có sự chỉ đạo hết sức sát sao và đôi khi là trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong việc ứng cử, vận động thành công để Việt Nam tham gia vào một trong các cơ quan quan trọng nhất của LHQ là Hội đồng Nhân quyền. Ngoài ra, cũng có sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan truyền thông và Bộ Ngoại giao để có những kế hoạch, chiến lược hết sức phù hợp và nhờ đó đạt được kết quả ngày hôm nay.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu dẫn đầu tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã gửi lời cám ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đặc biệt các cơ quan truyền thông đã nỗ lực đồng hành không chỉ trong việc Việt Nam vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền mà còn giúp tuyên truyền về thúc đẩy bảo vệ quyền con người của Việt Nam.
Hội đồng Nhân quyền LHQ, trực thuộc Đại hội đồng LHQ, được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ.
Hội đồng Nhân quyền có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền LHQ là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về "Biến đổi khí hậu và quyền con người", trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền trên những vấn đề còn khác biệt, ví dụ như về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…
Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.
Các nội dung trên tiếp tục nằm trong các ưu tiên, định hướng cho tham gia của Việt Nam trong nhiệm kỳ tới, như thể hiện trong các cam kết tự nguyện khi ứng cử mà Việt Nam gửi tới LHQ theo quy định của Đại hội đồng.
Bình luận (0)