Với việc ký kết và khai trương CCE Hub, các bên thống nhất cùng nhau hướng đến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng các nguồn lực doanh nghiệp khởi nghiệp, khai thác công nghệ, để từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bằng nguồn năng lượng sạch.
Khai trương Trung tâm Hợp tác khởi nghiệp về biến đổi khí hậu (CCE Hub). Ảnh: Đại sứ quán Mỹ
Bà Dorothy McAuliffe, Đặc phái viên về quan hệ đối tác toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: "Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng với các đối tác tổ chức và triển khai của chúng tôi, đã sẵn sàng sử dụng trung tâm này trong những năm tới để nhận diện và quy tụ các doanh nhân tập trung phát triển bền vững và trang bị cho họ các công cụ và nguồn lực cần thiết để đưa ra thị trường các giải pháp về biến đổi khí hậu phù hợp".
CCE Hub đặt tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, là không gian sáng tạo chuyên dụng được thiết kế để cung cấp không gian cộng đồng cho những người sáng lập và khởi nghiệp. Mục tiêu của Trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp có khả năng tồn tại trên thị trường, đi tiên phong trong các giải pháp bền vững mới nổi hoặc đổi mới các giải pháp hiện có. Tập trung vào tính bền vững, đó là năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, tài chính khí hậu, khả năng phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu cũng như các dự án phục hồi.
Các bên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ
PGS-TS Trần Quang Anh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hy vọng rằng "CCE Hub sẽ tạo một không gian sáng tạo chuyên dụng được thiết kế cho người sáng tạo và khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu bền vững như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, tài chính khí hậu, khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu và các dự án phục hồi".
Để ghi nhận vai trò quan trọng của tinh thần khởi nghiệp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập Chương trình Hợp tác khởi nghiệp về biến đổi khí hậu (CCE) tại COP26 ở Glasgow với tư cách là đối tác công tư giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và các đối tác thuộc khu vực tư nhân.
Ngày 10-9, Mỹ và Việt Nam công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Joe Biden hoan nghênh các cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cũng như mục tiêu không phát thải nhà kính vào năm 2050 của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sự đóng góp của Mỹ trong việc huy động tài chính công và tư nhân cho JETP của Việt Nam và hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo thực hiện thành công đồng thời đảm bảo chủ quyền, an ninh năng lượng và khả năng chi trả của quốc gia. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính lẫn công nghệ khí hậu tiên tiến để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu. Việt Nam hoan nghênh các dự án do các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, tài trợ trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Các sản phẩm an toàn thân thiện với môi trường được trưng bày bao gồm:
1. Hệ thống giám sát chất lượng không khí sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích ảnh nhiệt và dữ liệu cảm biến thu thập từ máy bay không người lái
2. Mạng quang tử silicon trên chíp điều khiển được thông qua trí tuệ nhân tạo
3. Hệ thống phát hiện lũ lụt sử dụng ảnh vệ tinh
4. Hệ thống thông tin di động chuyên dụng chuyển tiếp vệ tinh (MOBILE BTS) phục vụ vùng sâu vùng xa, biển đảo và các trường hợp khẩn cấp
5. Hệ thống giám sát thu gom rác thải trong khu công nghiệp sử dụng công nghệ AI
6. Hệ thống học lập trình sớm Stem-Clover
7. Một số sản phẩm của công ty Rạng Đông như:
Hệ thống phát hiện bất thường trong quản lý và giám sát rừng,
Thiết bị thí nghiệm Robotic, ARM, IC Design,
Hệ thống giám sát đa dạng sinh học và trữ lượng carbon ở rừng Việt Nam dựa trên ảnh viễn thám đa phổ,
Phát hiện sạt lở sử dụng UAV
Một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường.
Bình luận (0)