Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng vừa trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 10 đến ngày 11-9-2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: TTXVN
- Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ?
+ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thăm Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Joe Biden tiếp nối "truyền thống" tốt đẹp này.
Điều đặc biệt ý nghĩa là chuyến thăm diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Với đà phát triển toàn diện, sâu rộng của quan hệ hai nước, chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tạo thêm khuôn khổ và động lực đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển lên một tầm cao mới. Đây là tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đã thống nhất tại cuộc điện đàm cấp cao ngày 29-3.
Việc Việt Nam đón Tổng thống Biden thăm cấp Nhà nước góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Tôi tin rằng những kết quả quan trọng của chuyến thăm không chỉ phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước mà còn đóng góp vào quan hệ giữa ASEAN - Mỹ, cũng như hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Xin Đại sứ chia sẻ về những nội dung quan trọng cũng như các điểm nhấn của chuyến thăm này?
+ Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden sẽ có các cuộc hội đàm, gặp gỡ quan trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta; có các hoạt động với doanh nghiệp và người dân. Hai nước sẽ rà soát lại quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực và đề ra những định hướng cho quan hệ thời gian tới với việc tập trung vào hợp tác khoa học công nghệ, kinh tế-thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh. Điều này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, đồng thời tạo điều kiện khách quan thuận lợi hơn để Việt Nam dần khẳng định vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hai bên cũng dự kiến gặp gỡ với các doanh nghiệp công nghệ, ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng có thể trị giá hàng tỉ USD.
- Trong thông cáo, Nhà Trắng cho biết ông Biden và lãnh đạo Việt Nam sẽ "tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam". Các lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hiện đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Xin Đại sứ nêu một số ví dụ cụ thể về hợp tác Việt Nam - Mỹ trong lĩnh vực này? Chuyến thăm của ông Biden sẽ tác động ra sao tới tiến trình hợp tác đó?
+ Hợp tác Việt Nam - Mỹ đang ngày càng phát triển trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và công nghệ cao. Hai bên đã ký nhiều Bản ghi nhớ và duy trì các kênh đối thoại về kinh tế số, năng lượng, khoa học công nghệ. Mỹ và một số nước đã ký Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), dự kiến vận động 15,5 tỉ USD từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển kinh tế.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong các lĩnh vực này theo ba hướng lớn. Thứ nhất, hai bên sẽ xác định rõ hơn các ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông… Thứ hai, hai bên dự kiến sẽ khởi động một số sáng kiến và cơ chế hợp tác cụ thể về bán dẫn và đào tạo nhân lực công nghệ cao. Thứ ba, nhân chuyến thăm, các cơ quan và doanh nghiệp hai bên sẽ ký một số bản ghi nhớ, thỏa thuận, tạo cơ sở giúp thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế xanh, kinh tế số và công nghệ cao.
- Bên cạnh chính trị và kinh tế, còn đó những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ, đó là hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân, giáo dục và văn hóa. Xin Đại sứ chia sẻ thêm về hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này?
+ Nhân dân là nền tảng của quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Nhìn lại hàng chục năm về trước, kể cả trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu con người đã được hai nước tiến hành. Chính điều đó đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng lòng tin, củng cố thiện chí, và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước.
Đặc biệt, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những điểm sáng. Đây vừa là trách nhiệm của phía Mỹ, vừa là lĩnh vực mà hai bên quyết tâm đẩy nhanh hơn nữa. Từ năm 2018, Mỹ đã đầu tư tài chính và kỹ thuật để hoàn thành tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng, nay cam kết dành thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ tẩy độc sân bay Biên Hòa. Đồng thời, phía Mỹ cũng cam kết, dành nguồn lực nhiều hơn để cùng Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh và xử lý bom mìn còn sót lại. Hai bên đều nhận thức rõ thời gian không chờ đợi, nên cần khẩn trương hoàn thành càng sớm càng tốt.
Một điều nữa mà tôi thấy rất tâm đắc là giao lưu nhân dân, nhất là hợp tác giáo dục-văn hóa giữa hai nước ngày càng sôi động. Hiện có khoảng 25.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, năm nay Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới và tiếp tục khẳng định vị trí đứng đầu ASEAN về số lượng sinh viên, học sinh du học tại Mỹ. Tại hầu hết các trường Đại học ở Mỹ đều có các sinh viên, giáo sư người Việt đang học tập, giảng dạy.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, hai nước cũng sẽ khởi động nhiều sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực, cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ. Một trong những ưu tiên của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ là vận động chính quyền, Quốc hội cả cấp liên bang và tiểu bang của Mỹ dành thêm nguồn lực cấp học bổng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sinh viên, học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ. Đó là nền tảng bền vững cho tương lai quan hệ của hai nước.
- Trong 10 năm qua, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển ngày một sâu sắc, rộng mở trên tất cả các lĩnh vực, tương xứng với tầm cỡ của quan hệ Đối tác toàn diện. Theo Đại sứ, đâu là những yếu tố dẫn đến thành tựu này?
+ Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Mỹ phản ánh và đáp ứng lợi ích chung của hai nước, đồng thời cũng phù hợp với xu thế và lợi ích chung của cả khu vực. Trên hết, đó là kết quả của tầm nhìn, quyết tâm, đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vượt qua quá khứ, dần thu hẹp khác biệt, để tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ cũng là nhờ vào sự vươn lên mạnh mẽ cả về thế và lực của đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tầm trung với quy mô kinh tế đứng thứ 36 thế giới, thành viên của 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của khu vực và thế giới, vừa qua đã lọt vào Top 30 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới, đóng vai trò ngày càng tích cực ở nhiều thể chế đa phương khu vực và quốc tế. Nền kinh tế đang trỗi dậy, thị trường 100 triệu dân và vị thế ngày càng tăng của đất nước là yếu tố quan trọng khiến các đối tác, trong đó có Mỹ, coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng nữa cần được khẳng định, đó là việc triển khai nhất quán và hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho quan hệ của ta với các nước nói chung và Mỹ nói riêng trong thời gian qua.
Bình luận (0)