Trong tháng 7-2025, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 3 ca nghi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, đều có tiền sử ăn tiết canh tại xã Quỳnh Anh, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, đã có 2 người cùng ăn tử vong với biểu hiện sốt, đi ngoài phân lỏng.
Sở thích nguy hiểm
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, cho biết đã phát công văn yêu cầu địa phương trên tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn lây sang người sau khi ghi nhận chùm ca nghi nhiễm có ăn tiết canh heo tại đây. Bộ Y tế đề nghị mau chóng tổ chức điều tra, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đồng thời mở rộng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm tại các cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý những bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với thịt heo hoặc ăn các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gần đây cũng liên tục tiếp nhận các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy kịch. Mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 ca mắc bệnh. Bác sĩ Lê Sơn Việt, Khoa Cấp cứu, cho hay hiện có 2 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, trong đó một là nam thanh niên 30 tuổi, nhập viện sau 3 ngày ăn tiết canh. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, tiêu chảy ra máu, rối loạn đông máu, xuất huyết mũi, miệng, dạ dày, vùng da thâm tím và hoại tử lan rộng tứ chi. Tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa do nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan, huyết áp tụt sâu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết nhiều nơi và hoại tử lan nhanh.
Một trường hợp khác là người đàn ông 63 tuổi (ở Hà Nội), có ăn tiết canh, lòng heo và uống rượu tại quán quen trước khi phát bệnh. Sau một ngày, ông có dấu hiệu mệt, xuất hiện ban tím vùng đầu, cổ, kèm khó thở rồi ngừng tim khi được chuyển đến cấp cứu. Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, cả hai bệnh nhân đang được điều trị trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải dùng thuốc vận mạch, lọc máu và thở máy để duy trì chức năng sống. Dù không phải bệnh mới, liên cầu khuẩn lợn vẫn diễn biến âm thầm, triệu chứng dễ bỏ qua, khiến nhiều người nhập viện muộn. Phần lớn ca mắc đều liên quan thói quen ăn tiết canh, lòng trần hoặc tham gia giết mổ, chế biến thịt heo không bảo đảm vệ sinh.
Lời cảnh báo cần lưu tâm
Theo Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn tên Streptococcus suis gây nên, là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng lây truyền giữa người với người. Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người qua 2 con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh hoặc sản phẩm nhiễm bệnh, đặc biệt nếu có vết thương hở. Ngoài ra, ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ như tiết canh, lòng tái, nem chạo, nem chua… Một số trường hợp không ăn tiết canh hay giết mổ nhưng vẫn mắc, thường do ăn thịt tái sống hoặc xử lý thịt heo bệnh khi trên da có vết thương, trầy xước.
Liên quan đến việc ăn tiết canh, nhiều người thắc mắc bản thân hay người nhà chỉ ăn tiết canh ngan, vịt hoặc dê nhưng lại nhiễm liên cầu khuẩn lợn? Trả lời, các bác sĩ nhấn mạnh nguyên nhân có thể là do pha lẫn tiết heo hoặc dùng chung dụng cụ chế biến.
Ngoài ra, việc tin rằng heo nhà, heo mán hay heo cắp nách sạch nên ăn được tiết canh cũng rất nguy hiểm. Mọi giống heo đều có thể mang liên cầu khuẩn, kể cả khi không có biểu hiện bệnh. Vi khuẩn thường cư trú ở họng và khi nhiễm sẽ lan vào máu, thịt khiến người ăn dễ mắc bệnh nếu không nấu chín kỹ.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh kéo dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ thở và tuần hoàn. Trường hợp viêm màng não mủ phải điều trị ít nhất 3 tuần, nhiễm khuẩn huyết có thể kéo dài tới 2 tháng. "Chi phí điều trị thường rất cao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người" - bác sĩ Thân Mạnh Hùng khuyến cáo.
Các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi bùng phát nhiều nơi, nguy cơ thịt heo bệnh, không rõ nguồn gốc lọt ra thị trường càng tăng. Đây là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các ca liên cầu khuẩn lợn trong cộng đồng. Mặc dù dịch tả heo châu Phi không có khả năng lây nhiễm sang người nhưng virus này có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và lây lan giữa các con heo qua đường hô hấp và tiêu hóa. Con người có thể trở thành tác nhân phát tán virus dịch tả heo châu Phi nếu tiếp xúc với các nguồn nhiễm bệnh như chuồng trại, phương tiện vận chuyển hay thực phẩm chế biến từ heo nhiễm bệnh.
"Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng trần, chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, chế biến kỹ và bảo đảm vệ sinh. Những ai thường xuyên tiếp xúc với heo cần sử dụng bảo hộ đầy đủ, xử lý cẩn trọng các vết thương hở để phòng bệnh" - bác sĩ Hùng cảnh báo.
Chưa có vắc-xin phòng ngừa
Theo giới chuyên môn, bệnh liên cầu khuẩn lợn có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, có thể kéo dài tới 10 ngày. Bệnh thường khởi phát trong vòng 24-72 giờ sau khi vi khuẩn xâm nhập với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau cơ, chán ăn, tiêu chảy, sau đó nhanh chóng chuyển sang sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nếu không điều trị kịp thời. Một số trường hợp trên da xuất hiện các ban hoại tử. Hiện bệnh này chưa có vắc-xin phòng ngừa.
Bình luận (0)