Truyền thông Mỹ vừa đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp tại Nga.
Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận thông tin trên. Dù vậy, một bước đi như thế có thể tác động đáng kể đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh ông Biden sắp rời nhiệm sở và Tổng thống đắc cử Trump cam kết hạn chế sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev, cũng như chấm dứt cuộc chiến trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước đó, Ukraine đã kêu gọi được phép sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ, được gọi là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), trong suốt hai năm qua.
Các tên lửa này có tầm bắn khoảng 300 km, đồng nghĩa có thể giúp Ukraine thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, nhận định với đài ABC News (Úc) rằng việc binh sĩ Triều Tiên được triển khai tại mặt trận Kursk là diễn biến "leo thang nghiêm trọng" trong cuộc xung đột, khiến Mỹ phải cân nhắc cho phép sử dụng các tên lửa này.
Giới phân tích nhận định một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định của ông Biden là ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.
"Ông Biden và các cố vấn đang tìm cách làm mọi điều có thể trước khi chuyển giao quyền lực lại cho Tổng thống đắc cử Trump vào tháng 1-2025 tới" - ông Barros nhận định.
Ông Trump từng tuyên bố ông có thể "kết thúc chiến tranh trong một ngày" và chỉ trích mức tài trợ Ukraine nhận được từ Mỹ.
Theo đài CNN, ông Trump nghĩ mình có thể đàm phán hòa bình nhưng lại sắp"thừa hưởng" một cuộc xung đột mà mức độ căng thẳng có nguy cơ leo thang sau bước đi trên của ông Biden.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp hơn 64,1 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.
Theo ông Barros, các chính sách liên quan đến Ukraine sẽ là một phần trong di sản của ông Biden, và quyết định mới nhất nói trên, dù bị xem là chậm trễ, vẫn là một nỗ lực để củng cố di sản đó.
Bình luận (0)