Tháp cổ Bình Thạnh nằm ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tháp cổ cách Sài Gòn khoảng 60km, theo hướng Quốc lộ 22 đi cửa khẩu Mộc Bài, tới ngã ba An Thạnh rẽ trái hơn 10km là tới hoặc có thể đi tới Mộc Bài, rẽ trái theo đường 786 cũng khoảng hơn 10km nữa là tới.
Tháp cổ Bình Thạnh được xác định có niên đại vào thế kỷ VIII, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1993 và được trùng tu trên quy mô lớn từ cuối năm 1998 đến cuối năm 1999 thì hoàn thành.
Tháp được xây dựng bằng gạch nung, cùng một số chi tiết trang trí bằng đá, khá giống với lối xây dựng của các tháp Chăm ở miền Trung.
Từ ngoài đường lớn, thấy khu tháp nằm giữa cánh đồng, ngay bên cạnh là đình Bình Thạnh
Lối đi từ ngoài đường nhựa vào khu tháp cổ
Từ ngôi tháp nhìn ra phía trước là một bàu nước
Ngôi tháp cổ bằng gạch nằm giữa những tán cây xanh
Thực ra tại đây là một quần thể gồm 3 ngôi tháp cổ xây bằng gạch, theo trục Bắc – Nam, tuy nhiên ngôi tháp phía Bắc và ngôi tháp ở giữa đã sụp đổ, chỉ còn ngôi tháp phía Nam hiện diện mà thôi. Các ngôi tháp được xây dựng bằng gạch nung, ngoài ra còn được trang trí một số chi tiết bằng đá như: chóp tháp, tấm lá đề trên cửa chính, bậc cấp lên cửa chính vào lòng tháp…
Phế tích 2 ngôi tháp còn lại được dựng mái che để bảo quản
Ngôi tháp phía Bắc chỉ còn lại hố gạch ở giữa lòng tháp
Phế tích ngôi tháp giữa còn lại được nhiều hơn một chút với góc tường đổ nát ở mặt sau của ngôi tháp, và phần nền tháp khá rõ ràng
Cửa chính ngôi tháp quay ra hướng Đông, được xây lồi ra phía trước một chút. Các mặt Nam, Bắc, Tây đều có trang trí các cửa giả, nhưng không có phần sảnh lồi ra nhiều như cửa chính hướng Đông.
Cửa giả ở mặt tường tháp phía Nam, với những mảng tường cũ và những mảng tường mới được trùng tu, nhìn thấy rất rõ sự khác biệt.
Mặt tường tháp phía Tây còn giữ lại được phần lớn kết cấu gạch xưa
Một số họa tiết điêu khắc cổ xưa ở phần chân đế tháp
Tháp cổ có 4 tầng thu nhỏdần lên cao. 2 tầng trên cùng gần như đã được phục dựng bằng vậtliệu mới. Đây là tầng tháp thứ hai, còn giữ được chút kết cấu cổxưa (bên góc phải bức ảnh)
Những tượng thần cổ xưa trên các mặt tường tháp đã bị bào mòn gần hết theo thời gian hơn ngàn năm qua
Cũ và mới…
Phần điêu khắc mới được tái tạo trên thân tháp trong đợt trùng tu cuối thế kỷ XX
Một chi tiết của ảnh hưởng Ấn giáo thời kỳ đó trên dải đất phía Nam: Trong lòng tháp cổ Bình Thạnh cũng thờ bộ sinh thực khí Linga – Yoni bằng đá
Chân bệ là đồ mới làm lại, còn bản thân bộ Linga – Yoni này có vẻ khá xưa
Phần sân khu tháp cổ được lát gạch, giữa trưa nắng nóng, những hàng cây tỏa bóng mát rượi.
Tháp cổ Bình Thạnh cùng tháp cổ Chót Mạt ở Tân Biên, Tây Ninh là hai trong số rất ít các di tích đền tháp cổ còn lại trên đất Nam Bộ (cùng một số phế tích đền tháp cổ xưa của người Khơ-me ở Bạc Liêu), đây là những di sản văn hóa quý giá của tiền nhân để lại cho hậu thế.
Bình luận (0)