Hãy cùng khám phá những kỳ quan thiên nhiên độc đáo này, đầu tiên hãy cùng tiến sâu vào khu rừng rậm Amazon bí ẩn...
Dòng sông nước sôi Shanay-Timpishka (Peru)
Xuyên qua khu rừng rậm nhiệt đới với chiều dài hơn 6km, một con sông đáng sợ khiến bất cứ sinh vật nào rơi xuống cũng phải mất mạng.
Theo IFL Science, nhà vật lý địa chất người Peru, ông Andrés Ruzo, là người đầu tiên chú ý đến sông nước sôi vào năm 2011. Tuy nhiên, người địa phương đã biết đến sự tồn tại của nó từ nhiều thế kỷ trước khi các nhà khoa học đặt chân đến. Họ gọi dòng sông này là Shanay-Timpishka, trong tiếng địa phương nghĩa là "sôi sục với hơi nóng Mặt Trời".
Nhiệt độ của dòng sông này lên tới 86°C. Điều kì lạ là nếu như các con suối nước nóng thường nằm gần núi lửa thì con sông này lại cách núi lửa gần nhất tới 700 km.
Cho đến ngày nay, các nhà địa chất vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến nhiệt độ của nó cao bất thường như vậy. Nhà địa chất Ruzo đã tiến hành nghiên cứu con sông, từ phân tích hóa học ông nhận thấy rằng nước của con sông đến từ những cơn mưa mùa hạ. Tuy nhiên, khám phá này vẫn chưa được công nhận 1 cách chính thức.
Giếng nước “quỷ ám” hóa đá mọi thứ (Anh)
Bờ sông Nidd, gần thị trấn Knaresborough (Bắc Yorkshire, Anh) là một trong những điểm du lịch hút khách lâu đời ở Anh. Đây là nơi tọa lạc của giếng hóa đá (Petrifying well) nổi tiếng trong truyền thuyết.
Hơn 4 thế kỷ, giếng hóa đá là một nơi nổi tiếng, thu hút nhiều sự quan tâm của hàng triệu du khách.
Truyền thuyết cho rằng bất kỳ đồ vật nào, dù là xe đạp, chuông gió hay chú gấu bông Teddy chạm vào nguồn nước của giếng, đều bị biến thành đá. Một trong những đồ vật từng bị hóa đá ở giếng là chiếc mũ thời Nữ hoàng Victoria hay một chiếc bê-rê từ năm 1853.
Người dân trong vùng nhiều năm qua không dám bén mảng gần giếng. Họ truyền tai nhau rằng chiếc giếng đã chịu lời nguyền của quỷ dữ và sợ rằng, nếu mình chạm vào nước cũng sẽ bị hóa đá.
Người đầu tiên chính thức khám phá giếng hóa đá là John Leyland. Ông đến thăm giếng vào năm 1583 và viết rằng, có nhiều người tắm ở giếng, uống nước tại đây và đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi mọi vật chịu tác động của dòng nước bị hóa đá thì người dân bắt đầu sợ hãi và không tin vào sự thần thánh chữa bách bệnh của giếng nữa.
Nhiều năm sau đó, các nhà khoa học bắt đầu phân tích các thành phần của nước giếng và kết luận rằng nước ở đây có hàm lượng khoáng rất cao tạo nên lớp phủ xung quanh mọi vật. Khi sự tiếp xúc kéo dài, lớp phủ đó sẽ biến thành một lớp vỏ khoáng chất cứng, giống như sự hình thành nhũ đá và măng đá nhưng với tốc độ nhanh hơn.
Dù khoa học đã chứng minh được điều bí mật trong nguồn nước của giếng, du khách vẫn không ngừng kéo đến tham quan. Nhiều người tin rằng nơi đây sẽ giúp mong ước của họ thành sự thật.
Mùa xuân, công viên Grüner See biến thành hồ nước (Áo)
Grüner See (hồ xanh) vốn chỉ là một công viên bình thường ở thị trấn Tragoss, nước Áo. Thế nhưng đến mùa xuân, một hiện tượng thiên nhiên thú vị đã biến công viên này thành một công viên... dưới nước!
Sở dĩ như vậy vì công viên này nằm dưới chân núi tuyết Hochschwab, khi tới mùa xuân, băng tuyết dần tan ra và làm cho mực nước của công viên dâng lên cao.
Khi ấy, toàn bộ công viên bị chìm trong một làn nước trong xanh tuyệt đẹp, cỏ và cây xanh vẫn nở hoa dù bị nước nhấn chìm. Đây chính là điều thu hút du khách kéo tới công viên này vào mỗi mùa xuân.
Nếu lặn xuống, bạn có thể dễ dàng thấy được một công viên thủy cung với cây cối, ghế, đường mòn và còn có cả những chú cá bơi lội tung tăng.
Cây sinh đôi Casorzo (Ý)
Cây "Bialbero di Casorzo" ở nước Ý trong tiếng địa phương có nghĩa là "cây sinh đôi Casorzo", sở dĩ có tên như vậy vì cây anh đào mọc và sinh trưởng ngay phía trên cây dâu tằm.
Nếu là một cây tầm gửi thì đó có thể không phải là điều gì lạ lẫm, thế nhưng cả một cây anh đào khổng lồ có thể tồn tại mạnh mẽ trên một cây khác thì có lẽ vô cùng hiếm gặp trong tự nhiên.
Tự nhiên đôi khi cũng hài hước và nhiều điều bất ngờ phải không nào? Nếu có cơ hội hãy tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình nhé. Thú vị lắm đấy!
Bình luận (0)