Đôi khi người ta phải tự hỏi, tại sao ở những địa hình hiểm trở đến vậy, họ vẫn xây dựng được nhà ở. Và đây là những căn nhà có vị trí địa hình kỳ lạ nhất thế giới.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1968, nằm gần thị trấn Serbia của Bajina Basta. Trong suốt gần 50 năm qua, ngôi nhà vẫn đứng vững trên đỉnh một tảng đá nằm giữa sông Drina.
Tương tự như vậy, một căn nhà khác được xây dựng trên mỏm đá nằm giữa sông Saint Lawrence. Đây là khu vực giữa biên giới của Mỹ và Canada. Phía trước cửa nhà là vài chiếc ghế trên bãi cỏ và bãi tắm nhỏ cho gia đình.
Căn nhà siêu hẹp nhất thế giới – nhà Keret. Đây là công trình kiến trúc, xây dựng tại thủ đô Warszawa, Ba Lan. Nhà gồm 2 tầng, được gọi theo tên của nhà văn, nhà viết kịch, sản xuất phim và truyền hình người Ba Lan. Tòa nhà có kích thước 92 cm tại nơi hẹp nhất và 152 cm tại nơi rộng nhất.
Một số nơi trên thế giới, người dân lại có xu hướng sống trong hang động. Coober Pedy là một nơi như thế. Đây là một thị trấn ở Australia, nơi 80% người dân đào hầm sống dưới lòng đất. Họ đã ở như vậy trong suốt hơn 100 năm qua.
Tại miền bắc nước Anh, những ngôi nhà được xây dựng vắt vẻo trên cây, như một hình thức để phản đối. Trong suốt hơn 4 năm qua, người dân tại đây liên tục phản đối để ngăn chặn việc khai thác vật liệu tại di tích lịch sử Nine Ladies ở Stanton Lees.
Một ngôi nhà có kiến trúc kỳ dị đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Công trình được xây dựng năm 2011, nằm trên đỉnh của một nhà máy. Theo truyền thông nước này, công trình vượt quá kích thước của ngôi nhà, khiến nó bất hợp pháp về mặt kỹ thuật.
Năm 2013, 25 ngôi nhà được xây dựng trái phép trên phần mái của một trung tâm mua sắm tại Hành Dương, Hồ Nam, Trung Quốc. Đến nay, nơi này được coi như ký túc xá của nhân viên tại trung tâm mua sắm.
Ngôi nhà Solvay Hut có lẽ nằm ỏ độ cao nhất thế giới, tọa lạc tại Matterhorn ở Zermatt, Thụy Sĩ, nằm cách 3962m so với mực nước biển. Bên trong căn nhà được thiết kế 10 giường ngủ, là nơi dừng chân cho những du khách sau chuyến đi bộ đường dài mệt mỏi.
Một căn nhà khác có vị trí khó hiểu ở Trung Quốc. Nhà được xây dựng nằm ngay giữa đường lớn. Truyền thông nước này đặt công trình với cái tên “nhà đinh” khi người ta phải giải phóng mặt bằng còn chủ nhân căn nhà từ chối rời đi nơi khác.
Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự ở một số nơi khác. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ nhân của căn nhà này đã “chiến đấu” với chính quyền địa phương để không bị phá hủy. Nhưng rồi cuối cùng họ cũng phải rời đi.
Bình luận (0)