Cứ mỗi độ tháng 3 về, đến với Tây Nguyên chúng ta sẽ thấy rực trời một màu đỏ của loài hoa huyền thoại- hoa Pơ-lang. Loài hoa gắn liền với nếp sống văn hóa cũng như tâm linh từ ngàn đời của các dân tộc thiểu số tại đây.
Loài hoa rực lửa này có nhiều tên gọi khác nhau như hoa Gạo, Mộc Miên. Đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nó gắn liền với các lễ hội như mừng lúa mới, bỏ mả… Ngoài ra nó còn biểu trưng cho tình yêu nồng cháy của trai gái trong bản làng.
Tương truyền, xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Một năm ở vùng đất họ sinh sống mãi không có mưa để cày cấy, sông hồ cạn kiệt nước. Không cam chịu trước cảnh ấy, chàng trai tìm đường lên trời để hỏi cho ra cớ sự. Lúc chia tay, chàng trai buộc vào tay cô gái một băng vải đỏ, với lời thề son sắc là sẽ quay lại tìm nàng. Nhưng không ngờ khi lên đến trời thì nhà trời giữ chàng lại làm thần mưa mà không cho quay về hạ giới nữa. Phần cô gái ở dưới dương gian ngày ngày ngóng trông lên trời mà không thấy bóng dáng người yêu của mình quay lại. Hằng ngày, cô leo lên một cây cao ngóng chờ người yêu mòn mỏi, đến một ngày nọ, sức tàn lực kiệt cô gái ấy chết đi, hóa thân thành cây hoa Pơ-lang với những bông hoa đỏ rực trên cành.
Hoa Pơ-lang còn biểu trưng cho sự thịnh vượng, sung túc của từng bản làng. Người ta tin năm nào hoa nở nhiều và càng thắm màu thì đó là tín hiệu dự báo cho những vụ mùa bội thu, thóc đầy nhà kho, heo gà đầy chuồng.
Những cánh hoa Pơ-lang đỏ thắm nổi bật lên trên nền trời xanh sẽ làm bâng khuâng bước chân lữ khách. Các bạn hãy thử một lần đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió này, để được tận mắt chiêm ngưỡng những sắc hoa cháy rực như tình yêu mãnh liệt, chưa bao giờ tắt của nàng sơn nữ đối với người mình yêu, để tạo nên loài hoa huyền thoại hoa Pơ-lang.
Bình luận (0)