Uyển Nhi là MC duyên dáng của cộng đồng khán giả kiều bào tại Đan Mạch. Cô từng tạo ấn tượng đậm nét trong bộ phim “Tội phạm” của đạo diễn Trần Cảnh Đôn và hiện người đẹp này có hai con, theo chồng định cư tại Copenhagen.
Chúng tôi cùng nhau đến thăm nhiều địa danh nổi tiếng của hai thành phố Vejle và Copenhagen. Nhớ nhất là tham quan bảo tàng Kongernes Jelling ở Vejle - nơi giới thiệu thật rõ về huyền sử của người Viking – những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất Bắc Âu này và tạo dựng đất nước.
“Nói đến Viking, đa số đều liên tưởng ngay đến dân cướp biển của vùng cực Bắc đã từng hoành hành khắp châu Âu trong khoảng đầu thế kỷ thứ 7 cho đến cuối thế kỷ thứ 10. Thực ra, đó chỉ là một biểu tượng dân dã cho những người sống tại đây (Bắc Âu bao gồm Na-Uy, Thuy. Điển và Đan Mạch) từ thế kỷ đó. Hay nói một cách khác, Scandinavias Viking xuất xứ từ thổ ngữ VIK, có nghĩa bóng là sự xâm chiếm, cướp đoạt, cộng thêm vị ngữ - ING là ám chỉ con người. Do đó người Viking bị gắn cho cái danh: dân cướp biển. Trên thực tế họ đã đối đầu với thiên nhiên, tạo uy thế để tự vệ, để tồn tại trong cuộc sống thời đó” – Uyển Nhi kể.
Dạo quanh bảo tàng gồm ba tầng cao, hành lang và khu thang bộ nhìn ra hai ngọn đồi xanh thẳm, bao quanh một ngôi giáo đường có tuổi thọ hơn 1000 tuổi. Nhân - Ông xã của Uyển Nhi cho biết thêm vào thập niên 800 - 1050 người Viking thường dùng những chiếc thuyền buồm nhỏ có độ bền và lao nhanh trên biển đều đặn đi đánh phá và cướp đoạt của cải từ những nước lân cận như Iceland (Băng đảo), Sweden(Thụy Điển), Denmark(Đan Mạch), England (Anh) và Holland (Hà Lan).
“Viking là biểu hiện cho những người rất rành rẽ, thông thạo về nghề hàng hải và lão luyện trong những trận xung đột giữa các lãnh chúa vùng Bắc Âu thời đó. Họ thường đóng vai thương nhân đi đó đây buôn bán trao đổi và ra tay cướp bóc để tạo uy thế với những nhóm người cướp biển đến từ phương khác, sau đó đem chia cho người nghèo” – Uyển Nhi nói thêm.
Hiện Đan Mạch có hơn 15 ngàn người Việt đang sinh sống. Thành phố Vejle là thành phố lớn thứ 5, nơi có đông dân cư là người Việt sống nhất.
Vợ chồng Uyển Nhi còn đưa chúng tôi khám phá “hai hòn đá cổ” được xem là “giấy khai sanh” của người Đan Mạch.
Lâu nay chúng ta sử dụng công nghệ Bluetooth mà chưa biết đến một câu chuyện lịch sử gắn với tên của vị vua “răng xanh” ở xứ Đan Mạch.
Thuật ngữ "Bluetooth" được đặt theo tên của một vị vua Đan Mạch, vua Harald Bluetooth, người Viking nổi tiếng về khả năng giúp mọi người có thể giao tiếp, thương lượng với nhau. Và chính ông đã sáng chế ra chữ viết rune, khắc vào đá để minh chứng với đất trời, từ thế kỷ thứ 10, xứ Đan Mạch đã có chủ quyền, có chữ viết và có bản “tuyên ngôn” khắc đậm vào đá.
“Chính vị vua này đã mang đạo Tin Lành vào Đan Mạch trong khi Ericsson là công ty đầu tiên phát triển đặc tả cho công nghệ hiện đang ngày càng thông dụng trong cuộc sống hiện đại, và họ đã đặt tên “răng xanh” cho công nghệ Bluetooth đang sử dụng trên toàn cầu” – Nhân giải thích thêm.
Hai hòn đá được xem như hai tấm bia khắc chữ nay đã được đặt ở thị trấn Jelling, miền nam bán đảo Jylland. Ngày nay người dân Đan Mạch xem đó là bằng chứng của Tổ Tiên họ và nữ hoàng của Đan Mạch vào tháng 6 mỗi năm đều đến viếng. Hai hòn đá được đặt trong khung kính lớn, đặt trước lối vào nhà thờ.
Hòn đá nhỏ do một người tên “Gorm già” dựng khoảng năm 955, hòn đá lớn do “Harald Răng xanh” dựng khoảng năm 965. Vị vua đầu tiên của bán đảo Jylland là "Gorm già" – tên đầy đủ là Gorm den Gamle và là cha của Harald Blauzahn (Harald răng xanh), người sau này đã thống nhất Đan Mạch vào năm 980.
Bình luận (0)