Một gia đình tưởng chừng mẫu mực với cuộc sống viên mãn, đầy đủ vật chất nhưng lại đứng trước nguy cơ tan vỡ vì những mâu thuẫn sâu xa.
Những tổn thương không nói thành lời
Một ngày cuối tháng 3-2024, đằng sau cánh cửa khép hờ của phòng xử án tại TAND TP HCM, tiếng nấc nghẹn ngào của bà Thanh vang lên. Bà Thanh là một người phụ nữ trung niên, có sự nghiệp vững vàng. Đối diện bà, ông Đạt ngồi trầm ngâm, ánh mắt nặng nỗi suy tư. Họ từng là hình mẫu của một gia đình thành đạt, giàu có, được người đời ngưỡng mộ và kính trọng.
Không khí phiên xử trở nên căng thẳng hơn khi những lời đối đáp giữa ông Đạt và bà Thanh bắt đầu vang lên, xé nát bức tranh gia đình hoàn hảo mà họ từng xây dựng. Ở độ tuổi đôi mươi, ông Đạt và bà Thanh nên duyên vợ chồng. Bà Thanh bồi hồi kể rằng họ từng có một cuộc sống viên mãn, một gia đình tràn đầy tiếng cười, nhất là sau khi đứa con gái đầu lòng chào đời vào năm 2015. Căn nhà ấm cúng với những chiếc xe sang và cuộc sống trong khu dân cư cao cấp không chỉ là tài sản mà còn là minh chứng cho nỗ lực và thành quả mà cả hai cùng vun đắp suốt bao năm.
Tuy nhiên, chẳng ai biết từ bao giờ, những vết nứt tình cảm lớn dần lên. Đỉnh điểm vào năm 2018, bà Thanh phát hiện ông Đạt có quan hệ ngoài luồng. Dù đau khổ tột cùng nhưng bà Thanh vẫn nuôi hy vọng hàn gắn. Thế nhưng, mọi nỗ lực đều rơi vào vô vọng. Một buổi sáng giữa tháng 10-2019, ông Đạt lái xe đi làm như mọi ngày nhưng lần này ông không quay về nữa. Tất cả liên lạc cũng bị cắt đứt, người chồng biến mất khỏi tổ ấm của họ. Bà Thanh tìm đến bố mẹ chồng để hỏi han thông tin nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.
Cứ như thế, bà Thanh một mình cáng đáng tài chính để nuôi con. Sau một thời gian ly thân, ông Đạt nộp đơn xin ly hôn.
Giằng co trách nhiệm và quyền lợi
Phiên xét xử sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức đã khép lại với phán quyết chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Đạt. Nhưng không dừng lại ở đó, một lần nữa, ông Đạt gửi đơn kháng cáo, quyết tâm giành quyền trực tiếp nuôi con. Trường hợp bà Thanh được giao quyền nuôi dưỡng, ông đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống còn 7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, ông yêu cầu được chia 70% giá trị khối tài sản chung gần 30 tỉ đồng.
Bà Thanh cũng nộp đơn kháng cáo nhưng không phải vì tranh chấp tài sản. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, bà tha thiết mong cấp phúc thẩm xem xét và từ chối yêu cầu ly hôn của ông Đạt. Bà bày tỏ rằng mình vẫn còn yêu ông và mong ông suy nghĩ, quay về để cùng nhau vun đắp gia đình, cùng chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ. Bà tin rằng đứa trẻ cần cả tình yêu của cha và mẹ, cần được lớn lên trong một gia đình trọn vẹn.
Giọng bà Thanh run rẩy, ánh mắt không rời khỏi người đàn ông từng là chỗ dựa của đời mình, lời nói như quặn thắt: "Gia đình này từng là niềm tự hào của em và con. Em đã cố gắng hết sức để giữ gìn hạnh phúc nhưng anh lại chọn cách rời bỏ…". Đối diện, ông Đạt khẽ nhíu mày, ánh mắt lạnh lùng thoáng vẻ xa lạ: "Anh chỉ muốn kết thúc mọi thứ trong bình yên, không muốn kéo dài thêm nỗi đau cho cả hai".
Câu trả lời ấy khiến trái tim tưởng chừng đã chai sạn qua thời gian ly thân, giờ đây lại vỡ tan thêm một lần nữa. Giọt nước mắt từ lâu đã dồn nén nay lặng lẽ rơi. Bà nghẹn ngào, cố giữ giọng điềm tĩnh nhưng vẫn run lên, khẩn thiết yêu cầu quyền nuôi con và cho rằng con gái họ xứng đáng được nhận cấp dưỡng từ cha là 25 triệu đồng/tháng, tính từ tháng 11-2019 đến khi con học xong đại học. Số tiền này bà Thanh yêu cầu trả một lần.
Bà Thanh đồng ý với ông Đạt về việc xác định tài sản chung nhưng khẳng định rằng công sức đóng góp của cả hai là ngang nhau. Nhưng vì ông Đạt là người chủ động ly hôn nên bà muốn giữ trọn tài sản cho con, coi đó là cách bảo đảm cho tương lai của con gái. Bà tha thiết đề nghị tòa công nhận toàn bộ khối tài sản thuộc về mình, để con có được nền tảng vững chắc dù gia đình đã không còn trọn vẹn như trước.
Ông Đạt lặng người một lúc, giọng trầm xuống nhưng dứt khoát: "Anh sẽ chăm sóc con. Em nên hiểu rằng anh không muốn kéo dài cuộc tranh chấp này chỉ vì tiền".
Căn phòng lặng đi, chỉ còn tiếng thở dài. Bà Thanh nén tiếng nấc, giữ giọng vững vàng nhưng ánh mắt đầy đau khổ: "Đây không phải vì tiền. Em chỉ muốn con có đủ điều kiện để phát triển tốt nhất, để bù đắp những mất mát từ gia đình này. Nếu anh thực sự yêu con, anh sẽ hiểu".
Trước sự tranh cãi không ngừng của hai bên, chủ tọa phiên tòa lên tiếng rằng: "Pháp luật bảo vệ quyền lợi của các bên nhưng không thể thay thế được những giá trị tinh thần của một gia đình. Đây là điều mà cả hai nên cân nhắc kỹ, vì con trẻ cần một mái ấm trọn vẹn".
Chủ tọa nhắc đến bản tự khai của cô con gái nhỏ ghi ngày 12-8-2022. Trong đó, đứa trẻ đã bộc bạch ước mong cha mẹ có thể hòa giải và quay về bên nhau, để con được sống dưới một mái nhà với cả cha lẫn mẹ.
Sau hơn 1 tuần xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã đưa ra phán quyết rằng giữa ông Đạt và bà Thanh tuy có tồn tại những mâu thuẫn nhưng phần lớn chỉ xoay quanh sự khác biệt trong quan điểm sống. Dẫu đôi bên đã gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống hôn nhân nhưng mâu thuẫn này chưa đến mức trầm trọng, chưa khiến tình cảm vợ chồng rơi vào tình cảnh không thể cứu vãn. Các bên cũng chưa vi phạm nghiêm trọng những quyền và nghĩa vụ dành cho nhau. Cuộc hôn nhân này dù trải qua thăng trầm nhưng vẫn còn cơ hội để hàn gắn, để mục đích của sự đồng hành và sẻ chia được nối tiếp.
"Về phần con chung, đứa trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách và phát triển một cách toàn diện. Đây là quãng thời gian mà trẻ cần nhất sự yêu thương, quan tâm chu đáo từ cả cha lẫn mẹ. Để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ, đặc biệt trong quá trình phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cần phải cân nhắc đến mong muốn của cháu" - HĐXX nhận định.
Với những cân nhắc trên, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của bà Thanh, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Đạt. Do đó, những vấn đề liên quan đến con chung, tài sản chung và các khoản nợ chung sẽ không được xem xét trong vụ án này.
Bình luận (0)