Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, hiện tượng này sẽ giảm từ 60%-85% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.
Hạn, mặn đến sớm
Do đó, vùng ĐBSCL có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Một số tỉnh dọc theo sông Tiền, sông Hậu có nguy cơ xảy ra hạn, mặn cục bộ. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân như trồng lúa, cây ăn trái.
Tình hình hạn, mặn đầu năm 2024 có thể sẽ cao, mặn lấn sâu vào vùng ven biển. Hầu hết độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trường hợp El Nino cực đoan, từ tháng 2 trở đi, một số địa phương nguy cơ thiếu nước ngọt dù đã ngăn mặn từ biển vào.
Trong khi đó, dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho thấy dòng chảy về ĐBSCL xuống thấp ở các tháng đầu mùa khô, mặn có thể xuất hiện sớm ở các vùng cửa sông trong tháng 1 và tăng cao trong tháng 2, tức thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024.
Trong đó, từ ngày 5 đến 11-1, mặn tăng trên các cửa sông, ranh mặn 4‰ cách biển 25-40 km, là đợt mặn cao nhất từ đầu mùa khô. Triều cường, gió chướng có thể làm mặn sâu thêm từ 5-7 km so với dự báo.
Là vùng trồng hoa kiểng lớn nhất nhì tại ĐBSCL, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn trên sông cho người dân. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Chợ Lách, cho hay: "Độ mặn đang mấp mé, còn cách xã Hưng Khánh Trung B khoảng 5-7 km, chúng tôi đang theo dõi sát sao.
Mùa này đang có gió chướng nhưng chưa mạnh, nếu gió chướng mạnh sẽ đẩy mặn vào nhanh và sâu hơn. Bà con đang sản xuất nhiều loại nông sản, hoa kiểng cho vụ Tết Nguyên đán nên chúng tôi đã dự báo và tuyên truyền cho người dân, đồng thời cấp máy đo mặn cho các xã để chủ động".
Theo ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách), năm nay hộ của ông trồng 1.000 chậu hoa các loại để bán trong dịp Tết và ông cũng đo độ mặn trên sông mỗi ngày để lấy nước tưới tiêu. "Tôi mới đo lúc sáng, mặn chưa vô nên hiện nay vẫn lấy nước tưới cho hoa kiểng. Tuy nhiên, dự báo sắp tới mặn sẽ cao và xâm nhập sâu nên tôi đã trữ khoảng 1.000 m3 nước ngọt trong hồ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt" - ông Liệt nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Mười (ngụ xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cho hay: "Năm đầu tiên tôi trồng dưa hấu vỏ vàng, loại dùng để chưng Tết, khoảng 1 công nên cũng hơi lo thời tiết với hạn, mặn. Đây là loại cây ưa nước nên trước khi tưới, tôi phải kiểm tra độ mặn trên sông. Nếu nước bị nhiễm mặn mà tưới cho loại cây này thì năng suất không cao, dưa cho trái không đồng đều. Hy vọng mặn sẽ không vào sâu để trúng mùa dưa dịp Tết".
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm, tỉnh Sóc Trăng đã cho đóng toàn bộ 45 cống ngăn mặn ở địa bàn 2 huyện Long Phú và Trần Đề.
Thêm vào đó, 4 cống lớn đầu nguồn lấy nước tại khu vực này, tỉnh cũng đã chủ động mở cống lấy nước ngọt từ sớm nên hiện tại việc đóng toàn bộ cống cũng không ảnh hưởng đến công tác cấp nước tưới tiêu của nông dân.
"Vì có sự chủ động nên vụ lúa đông xuân năm nay chúng tôi đã khuyến khích nông dân xuống giống sớm, hiện tại hơn 80% diện tích lúa của 2 huyện này đã được thu hoạch xong. Lúa năm nay trúng mùa, được giá nên người trồng lúa rất phấn khởi. Do lúa thu hoạch xong nên nông dân cũng không còn quá lo lắng về việc hạn, mặn" - ông Phạm Tấn Đạo, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi Sóc Trăng, thông tin.
Trước dự báo hạn mặn đến sớm, ông Võ Văn Ngởi (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không tỏ ra lo lắng. Bởi theo nông dân này, do được tập huấn và cũng đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống hạn, mặn nên ông đã chủ động xây dựng hệ thống cống cấp thoát nước cho mảnh vườn cây ăn trái hơn 0,8 ha của mình.
"Vì sợ ảnh hưởng hạn, mặn như những năm trước nên tôi đã chủ động mở cống lấy nước ngọt từ trước. Hiện tại, với hơn 30 kênh trong vườn, tôi đã trữ được khoảng hơn 700 m3 nước ngọt. Với lượng nước ngọt hiện tại, cơ bản đáp ứng được cho mảnh vườn của tôi đến hết chu kỳ hạn, mặn. Còn cống thì tôi đóng trong, đóng ngoài nên cũng không lo về việc xâm nhập nước mặn vào vườn" - ông Ngởi cho biết.
Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kịch bản với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập hơn 50 km tính từ cửa sông để triển khai các giải pháp ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Tỉnh khuyến khích người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp mùa vụ và ứng phó được với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết ngay sau khi rà soát những nơi có khả năng bị tác động của xâm nhập mặn thì địa phương đã khẩn trương gia cố và sửa chữa. Vậy nên, khả năng xâm nhập mặn tác động đến địa phương trong dịp Tết Nguyên đán sẽ thấp đi.
"Thời điểm này của những năm trước, mực nước tại các con sông ở vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời gần như khô cạn. Tuy nhiên, năm nay mực nước tại các con sông trên vẫn ở mức cao và bảo đảm phục vụ sản xuất của người dân vì trước đó chúng tôi đã chủ động nạo vét kênh, rạch để trữ nước mưa" - ông Sử nói.
Tuy lượng nước tại các con sông ở vùng ngọt hóa còn nhiều nhưng lão nông Nguyễn Văn Năm (ngụ huyện Trần Văn Thời) và nhiều hộ lân cận vẫn chi số tiền lớn thuê cơ giới đào ao, lót bạt để trữ nước.
"Nhìn rau màu đang phát triển tươi tốt nhưng lại chết khô, chậm phát triển vì thiếu nước tưới trong những năm trước khiến nông dân ai cũng xót. Từ đó, chúng tôi xác định "phòng bệnh" luôn tốt hơn "chữa bệnh" nên đã đầu tư tiền làm ao trữ nước ngọt bởi năm nay có thể không sử dụng nhưng sẽ cần đến trong các vụ sau" - ông Năm bộc bạch.
Trước những dự báo tình hình hạn, mặn sẽ ảnh hưởng đến các địa phương ở ĐBSCL, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vụ mùa năm 2023 -2024 với từng tình huống cụ thể.
Theo đó, nếu tình hình hạn, mặn gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016 thì bỏ vụ lúa đông xuân chính vụ với 32.236 ha, diện tích rau màu giảm còn 14.330 ha; không bố trí sản xuất tại các vùng trũng thấp dễ bị xâm nhập mặn.
Theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng việc hạn mặn về sớm nên nguy cơ khoảng 56.260 ha lúa đông xuân 2023- 2024 ở ĐBSCL thiếu nước và 43.300 ha cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng.
Bộ NN-PTNT khuyến cáo địa phương cần khoanh vùng sản xuất an toàn trong điều kiện ảnh hưởng hạn mặn, không tổ chức sản xuất ở vùng nguồn nước không chắc chắn. Đồng thời, bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng các giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao cho những vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn; các giống lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn cho các vùng ảnh hưởng hạn mặn.
Đồng thời yêu cầu rà soát diện tích vườn cây ăn trái chi tiết đến từng loại cây trồng nhằm hướng dẫn người dân cân đối nguồn nước tưới.
Theo ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang), hiện các hồ chứa nước ngọt đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đang phát huy giá trị cực lớn, như hồ trữ nước ngọt Tà Lọt (dung tích khoảng 531.000 m3), Núi Dài 2 (558.000 m3) và Cô Tô (193.000 m3).
"Huyện Tri Tôn hiện có 7 hồ chứa nước ngọt, trong đó có nhiều hồ đang được đưa vào hoạt động. Điều này sẽ giúp cho nông dân sản xuất thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc cung cấp nước trong mùa khô hạn phải được phân kỳ và có kế hoạch rõ ràng để tiết kiệm và đạt hiệu quả cao" - ông Văn nói.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)