icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ động phòng ngừa COVID-19

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Bộ Y tế cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 có thể tiếp tục tăng, biến thể Omicron lây lan nhanh nhưng chưa gây triệu chứng nghiêm trọng

Những ngày qua, một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Ở nước ta, số ca mắc cũng đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 20 ca/tuần trong 3 tuần gần đây.

TP HCM dẫn đầu số ca mắc

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 148 ca COVID-19 tại 27 tỉnh, thành; không có trường hợp tử vong.

TP HCM là địa phương ghi nhận nhiều ca COVID-19 nhất, tiếp đến là Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An và Bắc Ninh. Ngoài ra, 19 địa phương khác báo cáo từ 1 đến 2 ca mỗi tỉnh. Bộ Y tế nhận định số ca mắc tăng có thể liên quan việc di chuyển, tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Hiện chưa ghi nhận ổ dịch lớn hay ca bệnh nặng. Các biến thể đang lưu hành chủ yếu là phụ biến XBB.1.16 của Omicron, có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng.

Sở Y tế TP HCM cho hay trong 4 tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại thành phố có dấu hiệu tăng, song chưa ghi nhận trường hợp nào nặng. Tuần qua, từ ngày 5 đến 11-5, toàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc mới - tăng 10 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Đây được xem là mức tăng nhẹ, vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP HCM, từ giữa tháng 4 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận tổng cộng 40 ca COVID-19, không có trường hợp nào cần hỗ trợ hô hấp. Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 51 ca COVID-19, trong đó 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tiếp tục theo dõi sát tình hình COVID-19 và các bệnh viêm hô hấp cấp trong và ngoài nước. Thành phố sẽ giám sát diễn biến virus và biến thể mới nếu có, triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp trong từng giai đoạn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho rằng chủng virus đang lưu hành hiện nay là biến thể lành tính, không gây chuyển biến nặng. Việc một vài ca tử vong ở Thái Lan cần được hiểu rõ trong bối cảnh người mắc có yếu tố bệnh nền, tuổi cao... Tại Việt Nam, phần lớn người dân đã có miễn dịch nền nên nguy cơ trở nặng rất thấp.

"COVID-19 giờ không khác gì cảm cúm thông thường. Ngành y tế đã kiểm soát tốt, người dân chỉ cần phòng bệnh cơ bản" - bác sĩ Khanh lưu ý.

Chủ động phòng ngừa COVID-19- Ảnh 1.

Người có bệnh nền cần đề phòng việc mắc COVID-19. Ảnh: NGỌC DUNG

Chưa ghi nhận biến chủng mới

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng cho biết trước đó, thành phố đã ghi nhận một số ca mắc COVID-19 nhưng không có trường hợp nặng.

Theo các chuyên gia, COVID-19 hiện được xem như bệnh cúm thông thường và việc số ca mắc tăng không đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch. Các bệnh hô hấp như cúm mùa hay COVID-19 thường gia tăng vào thời điểm giao mùa. Đến nay, tình hình vẫn ổn định, số ca mắc không có biến động lớn và chưa ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại.

Tuy nhiên, dù XBB.1.16 không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, song người dân không nên chủ quan. Một số triệu chứng thường gặp của COVID-19 vẫn cần được lưu ý, như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ, tiêu chảy...

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, cho biết tại Việt Nam, COVID-19 hiện là bệnh lưu hành. Biến thể phụ XBB.1.16 xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không đưa ra cảnh báo mới về COVID-19 toàn cầu. Việc số ca mắc COVID-19 tăng nhanh gần đây tại Thái Lan được ghi nhận trùng với thời điểm sau kỳ nghỉ tết truyền thống - thời gian nhiều hoạt động tập trung đông người. Điều này cho thấy ngoài khả năng lây lan của XBB.1.16, việc tụ tập đông người cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng người dân không cần tiêm thêm vắc-xin COVID-19 vì các loại vắc-xin hiện nay được sản xuất theo biến chủng cũ. "Thay vào đó, người dân nên tiêm vắc-xin cúm mùa - loại vẫn có hiệu quả thực tế cao. Người cao tuổi, người có bệnh nền cần duy trì các biện pháp phòng bệnh hô hấp như: đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống - nghỉ ngơi hợp lý..., đặc biệt là không nên hoang mang trước các tin đồn trên mạng xã hội" - ông nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát, thận trọng phòng dịch

PGS-TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, nhận xét COVID-19 hiện chưa biến mất hoàn toàn. Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đang lưu hành chủ yếu gây triệu chứng nhẹ. Số ca mắc hiện vẫn xuất hiện rải rác nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.

Tuy nhiên, giống như cúm mùa, COVID-19 có thể diễn biến nặng ở một số nhóm nguy cơ cao như: Người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính (béo phì, tim mạch, các bệnh phổi như hen, COPD, tâm phế mạn...), đái tháo đường; phụ nữ mang thai; người có hệ miễn dịch suy yếu... Hiện Việt Nam chưa sản xuất được vắc-xin COVID-19. Vì vậy, người dân - nhất là các nhóm nguy cơ cao - cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo ông Hoàng Minh Đức, trước diễn biến mới của bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Ngành y tế cũng luôn sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca mắc, nhất là nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người khi không cần thiết; thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời. Người đến hoặc trở về từ các quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi sức khỏe để bảo vệ bản thân, gia đình và người xung quanh. 

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc - đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này.

Hồi tháng 10-2023, Chính phủ đã đưa COVID-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B thay vì nhóm A như trước - tức giảm cấp độ nguy hiểm và xem là bệnh thông thường như cúm mùa.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo