Trao đổi với báo chí tối 21-7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) - cho biết dự báo khoảng trưa đến chiều nay (22-7), bão số 3 (Wipha) sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; trọng tâm là khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ).
Bão giật cấp 13-14, mưa to diện rộng
Khi đổ bộ, vùng gần tâm bão số 3 có gió cấp 9-10, giật cấp 13-14. Các khu vực khác như ven biển Ninh Bình có gió cấp 8-9, giật cấp 13; ven biển Thanh Hóa (phía Bắc) có gió cấp 7-8, giật cấp 8-9. Riêng khu vực Hà Nội, vào trưa và chiều nay có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Cùng với bão, dự báo triều cường cũng dâng cao vào chiều 22-7: Tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6 m; Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3 m; Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5 m; Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4 m.
Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa to xảy ra trên diện rộng, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An (200-350 mm, có nơi trên 600 mm). Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (trên 150 mm/3 giờ ) có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dân
Sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 117 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 3, trong ngày 21-7, lãnh đạo Chính phủ, Bộ NN-MT cùng nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương kiểm tra, chỉ đạo.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại cảng cá Ngọc Hải, phường Đồ Sơn và nghe báo cáo về tình hình các khu vực xung yếu trên địa bàn TP Hải Phòng. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị của Hải Phòng. Ông yêu cầu phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo về phòng, tránh bão; khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là vùng ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở, nhà yếu, chung cư cũ….

Lực lượng chức năng TP Hải Phòng hỗ trợ người dân di dời, tránh bão số 3 Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, nhất là tại 75 vị trí trọng điểm đê, kè, cống xung yếu đã được xác định. Các xã, phường, đặc khu cần có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố, không để bị động, bất ngờ. "Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do bão gây ra" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ở Hưng Yên, trực tiếp thị sát khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy) và trạm bơm chống ngập Mai Diêm (Khu Công nghiệp Liên Hà Thái), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Hưng Yên không được chủ quan, lơ là, cần duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Tiếp tục rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực xung yếu, những công trình có nguy cơ cao để chuẩn bị kịch bản ứng phó kịp thời.
Bộ NN-MT đã thành lập đoàn công tác do quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra tình hình triển khai ứng phó với bão số 3 tại Ninh Bình. Bộ trưởng Trần Đức Thắng đề nghị địa phương nhanh chóng di dời những hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và có công tác ứng phó trước và sau bão, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, tiêu úng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh. Làm việc với địa phương, ông Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh phải chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tạm đóng cửa sân bay, cấm biển
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng) từ 23 giờ ngày 21-7 đến 12 giờ ngày 22-7. Cục yêu cầu sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) theo dõi chặt chẽ các bản tin khí tượng và chủ động đề xuất điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp.
Dù dự báo không nằm trong tâm bão nhưng từ chiều tối 21-7, ở Nghệ An đã có mưa lớn, giông lốc nên tình này đã cấm biển. Đến trưa cùng ngày, tất cả phương tiện tàu, thuyền đánh bắt hải sản (hơn 3.400 chiếc) đã vào bờ trú ẩn an toàn để tránh bão số 3. Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng ra lệnh cấm biển từ 12 giờ ngày 21-7. Địa phương cũng đã kích hoạt các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Lực lượng quân đội, biên phòng, công an, địa phương... đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực, vật tư dự phòng để ứng cứu trong mọi tình huống khẩn cấp.
Dù được dự báo không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 cũng như hoàn lưu của nó, tuy nhiên, từ ngoài khơi đến đất liền ở Huế mưa giông xuất hiện nhiều, kèm theo giông lốc, sét đánh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Huế cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ, ngập úng cục bộ đô thị do ảnh hưởng của mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn và sét đánh có thể gây thiệt hại về người và tài sản.
TP HCM triển khai phương án bảo đảm an toàn
UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi thủ trưởng sở, ngành; chủ tịch UBND phường, xã, đặc khu về việc triển khai các phương án, biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, giông lốc, ngập lụt. Các đơn vị, địa phương ven biển, đặc khu Côn Đảo triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền. Triển khai biện pháp chặt tỉa cây xanh, hạn chế tối đa việc cây xanh ngã đổ gây tai nạn khi xảy ra giông gió, mưa lớn.
Không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến.
Tổ chức chằng chống, gia cố các panô, biển quảng cáo... đúng kỹ thuật, đề phòng giông lốc gây sự cố, tai nạn; hạn chế tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, sân khấu ca nhạc ngoài trời khi có cảnh báo thời tiết xấu của cơ quan chức năng.
Ph.Anh
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân.
Vụ lật tàu ở Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể một cháu bé
Ngày 21-7, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy thi thể cháu N.H.H.P (SN 2019) trôi dạt gần khu vực đảo Titop, vịnh Hạ Long. Cháu bé được xác định là 1 trong 4 nạn nhân mất tích trong vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58, chiều 19-7.
Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến 36 người thiệt mạng và hiện vẫn còn 3 người mất tích. Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân còn lại, song song với công tác phòng chống bão số 3 đang đổ bộ.
Công ty Bảo hiểm Bảo Long Quảng Ninh, đơn vị cung cấp bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ tàu Vịnh Xanh 58, cho biết đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin và hoàn thiện hồ sơ chi trả quyền lợi cho các nạn nhân. Công ty ước tính tổng mức chi trả bảo hiểm khoảng 1,2 tỉ đồng. Các trường hợp bị thương sẽ được xem xét chi trả theo tỉ lệ thương tật thực tế.
Tr.Đức
Bình luận (0)