Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký sắc lệnh điều hành tăng mạnh thuế quan áp lên nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, lên mức 25% "không có ngoại lệ hay miễn trừ". Theo các chuyên gia, quyết định này trong một động thái nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp Mỹ đang gặp khó khăn nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận.
Thận trọng theo dõi
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 12-2, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu cần chấp nhận một thực tế rằng chủ nghĩa bảo hộ thị trường đang gia tăng, từ đó chủ động đề ra các giải pháp để "chiến đấu" với thách thức, giành được cơ hội trong bối cảnh khó khăn này.
![Sản xuất gỗ tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương Ảnh: AN NA Sản xuất gỗ tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương Ảnh: AN NA](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/12/chot-10-17393633111141313666527.jpg)
Sản xuất gỗ tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương .Ảnh: AN NA
Ngành thép của Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối tác khác. Tuy nhiên, ông Đa cũng phân tích tác động tiêu cực tới ngành thép Việt Nam sau sắc lệnh trên theo 2 chiều hướng. Một là, không xuất được sang Mỹ, các nước xuất khẩu thép lớn sẽ đẩy mạnh bán hàng sang các thị trường khác như EU, Mexico, Canada, ASEAN; dẫn tới thép Việt Nam gặp phải cạnh tranh gay gắt ở các thị trường này. Hai là, nhu cầu ở thị trường Mỹ giảm do giá tăng cao sẽ khiến cung - cầu thép toàn cầu bị ảnh hưởng, cung lớn hơn cầu, đẩy các doanh nghiệp (DN) thép vào tình thế khó khăn hơn.
Trong bối cảnh này, đại diện Hiệp hội Thép khuyến nghị DN chủ động cập nhật thông tin, từ đó đa dạng thị trường xuất khẩu; Nhà nước tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch ở thị trường trong nước; đặc biệt kiểm soát thép nhập ngoại tràn vào và mạo danh xuất xứ.
Ở lĩnh vực khác, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết các DN ngành dệt may đang rất thận trọng, theo dõi thông tin thị trường liên tục để có thể ứng biến kịp thời trước những xung đột thương mại đang và sẽ xảy ra.
Theo ông Tùng, do hầu hết nguyên liệu ngành dệt may nhập từ Trung Quốc nên DN phải đặc biệt thận trọng trong khâu tuyển chọn hàng hóa nguyên liệu đầu vào. "Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam, nếu nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, lâu nay Mỹ luôn kiểm soát chặt chẽ vấn đề nguyên liệu hàng dệt may, không cho phép hàng dệt may sử dụng bông từ Tân Cương (Trung Quốc) nhập khẩu vào Mỹ. Khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, khả năng phía Mỹ sẽ "soi" kỹ hơn" - ông Tùng dự báo.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, nhận định hoạt động xuất khẩu nông sản đang chịu nhiều tác động từ tình hình thương mại giữa các nước lớn. Trước đây, hàng hóa từ Trung Quốc thường đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác và ngược lại. Tuy nhiên, với các quy định về truy xuất nguồn gốc (C/O) ngày càng siết chặt, DN Trung Quốc đã chuyển sang xây dựng nhà máy, lắp ráp linh kiện hoặc tổ chức sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu. Hiện các khu công nghiệp và cảng biển phía Bắc đang mở rộng nhanh chóng để phục vụ xu hướng này.
Theo ông Viên, trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc, các biện pháp trả đũa cũng gia tăng mạnh mẽ. Mỹ đang siết chặt quy định nhằm ngăn chặn hàng Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, và ngược lại, Trung Quốc cũng dựng nhiều rào cản với hàng hóa Mỹ đi qua Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành vùng đệm giữa 2 thị trường lớn và phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt. Các DN Việt Nam cần cẩn trọng, bởi rủi ro xuất khẩu sang Trung Quốc rất cao nếu nước này tăng cường kiểm soát hoặc đóng cửa biên giới, gây hậu quả rất nặng nề.
Ông Viên cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính cho ngành nông sản Việt Nam. Trong khi thị trường Mỹ dù phát triển nhưng chủ yếu phục vụ cộng đồng người châu Á, khó tạo đột phá lớn. Ông dự đoán năm 2025, các DN đã giải quyết được khó khăn sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt, đặc biệt là DN ngành thực phẩm. Với xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh ngày càng phổ biến, đây là thời cơ cho Việt Nam - quốc gia có thế mạnh về thực phẩm lành mạnh, giá thành thấp và trình độ sản xuất đang được nâng cao.
Đã có kịch bản và phương án ứng xử
Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân, để xuất khẩu của Việt Nam thích ứng, hưởng lợi và vượt qua thách thức khi xu hướng bảo hộ thương mại trở lại cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuẩn bị các phương án phòng vệ, phòng ngừa từ sớm. "Cần có một đề án tổng thể cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn mới với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mới" - ông Lạng khuyến nghị.
Ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương cho biết trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, bộ đã xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Trong đó, chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng/hàm lượng cộng nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu; tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam, để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh giải pháp của bộ về việc chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu chính sách kịp thời. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc thu thập, phản ánh nhanh chóng những biến động của kinh tế thế giới cũng như các chính sách mới của nước sở tại. Những thông tin này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp và hiệu quả.
Đối với DN, Phó Cục trưởng lưu ý rằng sự chủ động là yếu tố tiên quyết để ứng phó và vượt qua thách thức. DN cần theo dõi sát tình hình thị trường và các yếu tố chính trị - xã hội có thể tác động đến hoạt động kinh doanh, từ đó đưa ra phản ứng kịp thời. Đồng thời, DN cần đầu tư bài bản, hướng đến các mục tiêu dài hạn.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ DN và hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương với các nước (Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Hội đồng Thương mại…). Mục tiêu là khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng sang thị trường nhỏ, thị trường ngách và các thị trường tiềm năng mới. Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, theo dõi chặt chẽ biến động kinh tế - chính trị và đưa ra cảnh báo kịp thời cho DN.
Ngoài ra, bộ sẽ tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm. Công tác hỗ trợ DN sẽ được triển khai cụ thể, phù hợp với từng thị trường và từng ngành hàng để mang lại hiệu quả thiết thực.
Khai thác mạnh thị trường Trung Đông
Với DN gỗ, lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), cho biết thị trường Mỹ chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam nhưng nước này đang áp dụng nhiều chính sách mới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến DN xuất nhập khẩu. Do đó, DN phải chuẩn bị tâm thế vững chắc, sáng tạo và linh hoạt trước những thay đổi của thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho hay để giảm thiểu rủi ro từ thị trường Mỹ, HAWA đang tăng cường tổ chức hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ DN mở rộng kết nối, tìm kiếm đối tác. Trong đó, thị trường Trung Đông đang được khai thác mạnh mẽ, đồng thời theo dõi sát các chính sách thuế quan của Mỹ nhằm tránh rủi ro.
Ng.Hải
Bình luận (0)