Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi, đáng chú ý là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh).
Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, thời gian qua, tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này.
Về nội dung này, tại các buổi góp ý dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng tham gia BHXH là một giải pháp an sinh tốt nhưng cần đánh giá, xem xét lại quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Theo quy định về mức đóng BHXH bắt buộc, đối với chủ hộ kinh doanh tại điều 39 dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì mức đóng hằng tháng của chủ hộ kinh doanh bằng 3% căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất, tổng là 25%. Nhiều ý kiến đặt vấn đề với mức đóng trên, cao gấp 3 lần so với người lao động tham gia BHXH bắt buộc thông thường và cao hơn so với người tham gia BHXH tự nguyện liệu có hấp hẫn chủ hộ kinh doanh tham gia và ở lại lâu dài với hệ thống BHXH hay sẽ tìm cách "lách luật".
Là chủ hộ kinh doanh (chuyên mua bán hàng gia dụng), ông Nguyễn Xuân Quang (ngụ quận 11, TP HCM) cho rằng vợ chồng ông có cửa hàng buôn bán tại Chợ Phú Thọ đã nhiều năm và có đăng ký kinh doanh, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo dự thảo Luật BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, ông rất băn khoăn liệu có phải tất cả chủ hộ kinh doanh đều phải tham gia BHXH bắt buộc hay không do năm nay vợ chồng ông đều đã trên 60 tuổi, việc bắt đầu tham gia BHXH khi đã ở độ tuổi nghỉ hưu không còn nhiều ý nghĩa bởi nếu đóng đủ thời gian tối thiểu (15 năm theo dự thảo luật này) để được hưởng chế độ hưu trí thì khi đó vợ chồng ông đã gần 80 tuổi, thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. "Vì vậy, tôi cho rằng nên xem xét đến độ tuổi của chủ hộ kinh doanh bởi nếu đã thuộc đối tượng bắt buộc mà không tham gia thì chúng tôi đang vi phạm" - ông Quang nói.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Hiếu, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại quận 8, TP HCM cũng bày tỏ nỗi trăn trở. Ông Hiếu cho rằng nếu chủ hộ kinh doanh cá thể được vào nhóm tham gia BHXH bắt buộc đề xuất cần tính toán lại mức đóng cho hợp lý, hoặc nhà nước cần có mức hỗ trợ phù hợp. "Bởi lẽ theo quy định dự thảo luật, khi tham gia BHXH bắt buộc, chủ hộ sẽ phải đóng 25%, một con số không hề nhỏ, trong khi quyền lợi là như nhau. Còn nếu không tham gia, sẽ làm sai quy định của pháp luật" - ông Hiếu nói.
Góp ý về vấn đề này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ TP HCM cũng cho rằng ông rất băn khoăn khi nghiên cứu về nội dung này. Bởi đặc thù của chủ hộ kinh doanh thường là gia đình, gồm vợ và chồng, nhưng chỉ có người đứng tên đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo ông Triều nên cân nhắc về việc xác định đối tượng tham gia.
Ông Triều đặt vấn đề, nếu chỉ có người đứng tên giấy đăng ký kinh doanh đóng BHXH tên nhưng nguồn tiền dùng để đóng là tiền chung của cả hai vợ chồng thì liệu có phát sinh tranh chấp về sau? "Đây là trường hợp hiếm nhưng phải lường trước bởi thực tế đã xảy ra trường hợp tương tự khi vợ chồng ly hôn ở độ tuổi nghỉ hưu, tài sản đã chia theo đúng thỏa thuận nhưng lại phát sinh tranh chấp về khoản lương hưu, do nguồn tiền đóng từ tiền chung trong hôn nhân" - ông Triều phân tích.
Bình luận (0)