Số là khi lên đường vào chiến trường B2 - Nam Bộ tháng 1-1971, cấp trên chưa giao việc gì cho tôi cả, trừ việc phải vượt qua được Trường Sơn mà giữ được mạng sống, để khi tới Ban Binh vận R (Trung ương Cục) có thể bắt tay vào việc ngay. Tôi đã hoàn thành "việc thứ nhất" trong 4 tháng tròn, lẽ ra chỉ 3 tháng, nhưng bị một tháng sốt rét phải nằm trạm xá, rồi bệnh xá Binh trạm.
Tháng 5, mới về tới cơ quan B6 Tuyên truyền Binh vận, tôi lại lên cơn sốt rét, phải nằm liệt, sau đó lại phải đi nằm bệnh xá của Ban Binh vận, nửa tháng sau cơn sốt mới lui.
Sau đó, câu chuyện "Hòa" của tôi mới bắt đầu. Khi về lại B6, bắt tay vào việc, đầu tiên là đọc báo Sài Gòn. Và ngay ngày đầu, tôi đã đọc được bài viết về thân phận khốn khổ của một sĩ quan quân đội Sài Gòn. Tôi nghĩ thân phận của anh ấy có thể phản ánh thân phận của rất nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa khi ấy. Và khai thác tư liệu từ bài báo này, tôi đã viết được bài báo đầu tiên của mình tại chiến khu B2 nằm sâu trong rừng Campuchia.
Bài báo được viết với lòng chân thành, chia sẻ được những khốn khổ của người sĩ quan trẻ quân đội Sài Gòn. Và lần đầu tiên, tôi đưa được cụm từ "Hòa hợp dân tộc" vào bài viết nhiều cảm xúc này.
Khi đưa bài lên cho thủ trưởng thường trú bên Đài Giải phóng (B5) duyệt, tôi nhận được lời khen đầu tiên từ khi mình vào chiến trường. Thủ trưởng thường trú viết thư hỏi thủ trưởng Ban Tuyên truyền về tôi, về cái tên "Thanh Thảo" còn khá lạ. Thôi thì, trước lạ sau quen, bài báo đầu tiên của tôi ở chiến trường đã được phát trên cả hai đài: Giải Phóng và Tiếng nói Việt Nam.
Và chủ đề "Hòa hợp dân tộc" được tôi triển khai trong bài viết này đã cho tôi một cơ hội: các thủ trưởng nhận thấy tôi có thể viết chuyên sâu và lâu dài về nội dung này. Kể từ đó, tôi gắn bó với chủ trương "Hòa giải - Hòa hợp dân tộc" để thể hiện qua các bài báo mình viết.
Ở chiến trường, tôi là nhà báo, không phải lính chiến. Đối tượng chính để tôi khai thác và viết báo là những sĩ quan, những người lính trong quân đội Sài Gòn. Viết về những người lính đang ở phía đối địch với mình, có khoảng cách với mình, từ khoảng cách địa lý tới khoảng cách ý thức, quan niệm sống, thói quen sống… thật không dễ. Nhưng sau nhiều bài viết về đề tài này, tôi tự rút ra cho mình: dù "đối tượng" ở xa hay khi "đối tượng" đã ở trong các trại cải tạo, đã là tù binh thì mình chỉ viết được về họ khi mình thực sự cảm thông với họ. Và mình viết với sự chân thành, vì họ cũng là người Việt, như mình. Vào chiến tranh thì bên nào cũng khổ cả, Việt Cộng còn khổ hơn rất nhiều. Nếu muốn "đối tượng" nghe được, nghe và suy nghĩ về những bài viết của mình phát trên đài, thì đầu tiên, câu chuyện trong bài viết của mình phải được "họ" quan tâm. Khi nghe, họ nhận ra được sự cảm thông, chia sẻ, những tình cảm thật con người Việt Nam gửi tới "họ".
Viết về "Hòa giải - Hòa hợp dân tộc" thì trước hết, phải thật lòng. Càng thật lòng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và đặt mình vào vị trí, vào cảm xúc của những người lính Sài Gòn ấy khi trao đổi với "họ".
Năm năm ở chiến trường Nam Bộ, tôi đã viết được hàng trăm bài "báo nói", trong đó có rất nhiều bài viết về chủ đề "Hòa giải - Hòa hợp dân tộc". Tôi cũng đã đi tới rất nhiều trại tù binh, gặp rất nhiều sĩ quan và người lính trong quân đội Việt Nam Cộng hòa để chuyện trò với họ, trao đổi với họ, trên tinh thần anh em, chứ không hề là "hỏi cung" họ. Nói thật, trừ vài anh bạn của tôi vốn là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa theo về bên Cách mạng chuyên viết bài về sĩ quan, binh lính Sài Gòn, các anh ấy đi ra từ hàng ngũ của họ, hiểu biết đối tượng của mình, nên bài viết của các anh có chất thực tế hơn tôi. Nhưng tôi lại có thế mạnh khi từ miền Bắc, học ở miền Bắc rồi vào chiến trường, viết về đề tài đó và gặp những "đối tượng" vốn xa lạ với mình, nhưng tôi lại thực sự muốn tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ, đời sống của những "đối tượng" mà mình sẽ viết, nên bài của tôi giàu tình cảm hơn.
Người Việt mình dù ở đâu, đi đâu cũng lấy hai chữ "hòa hiếu" làm mục tiêu ứng xử.
Bây giờ, chúng ta hay nói về "Hòa hợp" hay "Hòa giải dân tộc" nhưng thưa thật, câu chuyện này không hề dễ. Những nhà báo làm công tác tuyên truyền Binh vận chúng tôi rất hiểu điều "không dễ" này. Chỉ khi ngồi trước trang viết, mình thực sự quan tâm, thực sự muốn chia sẻ với những người Việt đang ở phía thù địch ấy, mình thực lòng trao đổi với họ, mong họ nhận ra chủ trương "Hòa giải dân tộc" là chủ trương thực lòng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, chứ đây không hề là chuyện "chiến thuật" hay "gây rối loạn tâm lý trong hàng ngũ địch". Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, như có lần tôi được ngồi với ông Bảy Dự (ông Nguyễn Võ Danh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) - một "ông trùm Binh vận", ông đã nói với tôi rất thật lòng: "Nếu chúng ta phải chờ đến 3 thế hệ để chuyện Hòa giải - Hòa hợp dân tộc thực sự thành hiện thực ở Việt Nam, chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ".
Suốt 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, lại làm một công việc không dễ dàng, cũng rất dễ rơi vào khuôn sáo, "nhiều hư mà ít thực", nhưng có lẽ vì tôi là người làm thơ, một người lính trẻ muốn thơ mình và những bài báo của mình phải đi tới tận cùng sự chân thành, nên tôi đã có những bài báo về chủ đề "Hòa giải - Hòa hợp dân tộc" coi được, nghe được.
Sau ngày hòa bình, một thủ trưởng cũ của tôi trong ngành Binh vận - một nhà văn, đã chuyển qua làm giám đốc Nhà Xuất bản Quân đội - đã nhiều lần bảo tôi nên chọn những bài báo viết về đề tài Hòa giải - Hòa hợp dân tộc để in thành quyển sách. Nhưng tôi nghĩ mình viết "nhật trình", ai lại in thành sách, nên chỉ cười trừ mà không thực hiện đề nghị này của thủ trưởng…
Bình luận (0)