Chiều 24-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn huyện Sóc Sơn; giải quyết ô nhiễm môi trường và chính sách đời sống người dân quanh khu xử lý rác Nam Sơn; sớm hoàn thiện quy hoạch rừng Sóc Sơn để người dân ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, cử tri huyện Sóc Sơn phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi sinh sống trong khu quy hoạch làm Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhưng chậm triển khai nhiều năm.
Theo cử tri Nguyễn Thành Công (xã Mai Đình), từ năm 2019 đã có chủ trương điều chỉnh lại quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Các công trình xây dựng ở khu vực quy hoạch mở rộng sân bay không được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhân dân xã Mai Đình.
"Hiện có 500 gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đề nghị Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch, cắm mốc giới, đảm bảo quyền lợi cho người dân" - cử tri Công kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn cử tri đã chia sẻ, thông cảm, thấu hiểu về việc hệ thống chính trị của thành phố đã luôn nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh với nhiều kết quả toàn diện. Năm 2023, GRDP của Hà Nội cao hơn bình quân cả nước, thu ngân sách trên 400 ngàn tỉ đồng.
"Hà Nội thu của dân thấp nhất, chi cho người dân cao nhất. Các chính sách hỗ trợ của Hà Nội cho người dân luôn cao hơn mức của Trung ương" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Về khó khăn của cử tri sống trong khu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, với dự án chậm triển khai, quy hoạch treo nhiều năm, nên giải quyết thủ tục để bảo đảm điều kiện sinh sống cho người dân.
Với các công trình vì lợi ích quốc gia, đều được người dân đồng thuận. Do vậy, nếu người dân có đất cha ông để lại mà "xây không được, bán không xong, không vay được ngân hàng" thì rất khó khăn. "Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm việc với huyện rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân" - Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Về vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, tới đây sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy để lập danh mục các dự cần đầu tư cho nhiệm kỳ mới về giao thông và đê điều. Trong đó, chú trọng giao thông đối ngoại cấp thành phố, giữa các huyện và các vùng.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định với cử tri, thành phố rất quan tâm tới việc xử lý rác thải, lắng nghe ý kiến cử tri để có quyết sách phù hợp. Với vùng bán kính 500 m quanh khu xử lý rác Nam Sơn, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Sóc Sơn cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; sớm triển khai thêm một nhà máy xử lý rác ở khu vực này.
Đối với quy hoạch rừng Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ để thành phố phê duyệt vì "quả bóng đang ở chân huyện Sóc Sơn".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thông tin với cử tri tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 3 nội dung rất quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển nhiều năm của Thủ đô, gồm: Luật Thủ đô sửa đổi; Quy hoạch thủ đô 2030 tầm nhìn 2045; Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô...
Bình luận (0)