Dân chủ là khát vọng sâu xa, cũng là thành tựu của cuộc đấu tranh lâu dài của các dân tộc và loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cho đất nước ta di sản tư tưởng quý báu với nhiều nội dung cốt lõi và sinh động, trong đó có vấn đề dân chủ.
Dân là gốc, dân là chủ
Vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ, xem cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử; kế thừa và phát triển triết lý "thân dân", "lấy dân làm gốc" trong văn hóa phương Đông và truyền thống dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân - dân là gốc của nước.
Dân là gốc, dân là chủ phản ánh một cách sinh động bản chất của dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh; là nguyên tắc chính trị trong việc khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân - trong nhà nước dân chủ thì dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ - tức nhân dân là chủ nhân thực sự của đất nước, chủ thể của xã hội: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ".
Người khẳng định trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Tư tưởng đề cao nhân dân, hết lòng vì lợi ích nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm và coi như một chân lý để hành động trong suốt cuộc đời mình. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên "dân là chủ", "mọi lợi ích đều vì dân"; nhân dân mới thật sự là người làm chủ tối cao của chế độ mới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân. Trong xã hội có dân chủ thực sự thì mỗi người dân sẽ dám nói, dám nghĩ, dám làm; đồng thời cán bộ, đảng viên mới có gan dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có dân chủ thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền; có được quyền tự do tư tưởng, tự do thảo luận và khi ấy, tự do tranh luận, thảo luận hóa ra lại chính là quyền tự do phục tùng chân lý.
Trong quá trình thực hành dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh chúng ta phải làm ngay - làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do mà họ xứng đáng được hưởng với tư cách người chủ.
Người còn nói rõ, dân chỉ biết tới giá trị của tự do, dân chủ khi được ăn no, mặc ấm. Nước nhà tranh đấu được độc lập, tự do mà "dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì".
Chính vì vậy, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc phương châm "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị dân chủ phải biểu hiện cụ thể, thể hiện tấm lòng vì dân, trọng dân, thân dân và thương dân. Đây là tư tưởng lớn, chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ cuộc đời, trong trái tim, tình cảm và trí tuệ của Bác, kể từ khi Người bước chân ra đi tìm đường cứu nước cho đến tận những giây phút cuối đời.
Triết lý hành động ấy được kết tinh trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong Di chúc, Người đã căn dặn: "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Dân chủ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là mục tiêu phấn đấu và là động lực của sự phát triển đất nước ta. Người coi dân chủ là phương pháp, như một chiếc chìa khóa vạn năng, hữu hiệu để giải quyết mọi khó khăn.
Bác khẳng định: "Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên".
Tài sản tinh thần quý báu
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ được Đảng ta thực hiện từ rất sớm, với nhiều hình thức trong từng thời kỳ cách mạng.
Thực tế cho thấy tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ đã tỏa sáng trong trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam, trở thành tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc Việt Nam tiến lên giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới trải qua những biến động khó lường, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
Đất nước ta, qua 38 năm đổi mới (1986 - 2024) đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ tạo chuyển biến mạnh mẽ, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đặt trong cơ chế tổng thể
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ đặt trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, làm cho người dân hiểu rõ những quyền lợi, ý thức và trách nhiệm của mình; có cơ chế thích hợp để thông qua đó giúp nhân dân thể hiện được quyền làm chủ trực tiếp của mình, nói lên tiếng nói thể hiện được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và lợi ích thiết thân, cũng như mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng, của xã hội.
Bằng những quy định cụ thể, làm cho người dân có ý thức, có khả năng, có trách nhiệm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm hại đến quyền làm chủ của nhân dân.
Bình luận (0)