Ngày 28-7, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ xung quanh ý kiến trái chiều của dư luận về diện mạo Chùa Cầu sau tu bổ.
Theo ông Sơn, Chùa Cầu có lịch sử đã hơn 400 năm, là di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng của giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản. Trải qua các đợt trùng tu, công trình này ngày một xuống cấp, đứng trước nguy cơ sụp đổ, sụt lún móng, tường nứt, cấu kiện gỗ hư hỏng. Trong khi đó, mỗi ngày di tích này phải gánh hơn 10.000 lượt du khách qua lại nên việc trùng tu là điều không thể tránh khỏi.
Clip: Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ về ý kiến trái chiều của dư luận về diện mạo của Chùa Cầu sau tu bổ
Để chuẩn bị cho việc trùng tu thì TP Hội An đã làm rất kỹ, qua 4-5 năm tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học trong nước, quốc tế, hồ sơ chuẩn bị rất kỹ, tham vấn rất nhiều nhà khoa học, kể cả các chuyên gia Nhật Bản.
Theo ông Sơn, trong quá trình trùng tu đã đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc. Thứ nhất là công khai minh bạch. Hiếm có di tích nào trong quá trình trùng tu không che kín mà vẫn tổ chức công khai hạ giải cho du khách và các nhà chuyên môn tham quan, đánh giá.
Việc trùng tu đã tuân thủ đảm bảo giữ tối đa yếu tố gốc, tất cả những viên ngói có thể giữ lại được, tất cả những cấu kiện gỗ còn có thể dùng được dù có một đoạn thôi cũng đều được giữ lại, đánh dấu cấu kiện, bố trí trở lại hết. Vì vậy, công trình đảm bảo các yếu tố gốc được giữ lại tối đa có thể.
Một vấn đề nữa, sau khi trùng tu yếu tố vững bền của di tích được đảm bảo. Có thể khẳng định sau đợt trùng tu lần này chắc chắn di tích sẽ tồn tại rất lâu.
Còn về màu sắc cũng được thực hiện theo đúng hồ sơ nghiên cứu. Tất nhiên, mới sơn thì màu có phần tươi mới nhưng theo thời gian thì nó sẽ trở lại bình thường. "Một công trình đại trùng tu mà yêu cầu giữ y cổ kính như trước đây là điều không thể" – ông Sơn nhìn nhận.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho rằng màu trắng trên phần thân Chùa Cầu có phần nổi bật, TP đang giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nghiên cứu, quét lại màu xám hơn để công trình bớt cảm giác mới hơn.
Về ý kiến trái chiều của dư luận, ông Sơn cho rằng đó là điều rất bình thường, đó đều xuất phát từ tình yêu Hội An, TP rất ghi nhận và sẽ tiếp thu những góp ý xác đáng trong quá trình hoàn thiện.
Clip: Toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau tu bổ
"Mỗi người đứng ở mỗi góc độ khác nhau thì có những cảm nhận, nhìn nhận khác nhau. Ví dụ nhà chuyên môn thì nhìn nhận trên cơ sở khoa học, người dân bình thường thì họ cảm nhận trên sự quen thuộc của họ còn khách du lịch thì cảm nhận qua hình ảnh trên các trang du lịch, báo đài. Mong báo chí nhìn nhận trên cơ sở nguyên tắc về mặt trùng tu, về mặt khoa học để giải thích cho du khách và người dân hiểu thêm" – ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Bình luận (0)