Ngày 4-3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND TP HCM về thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP HCM hết năm 2023.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn.
Vận dụng cơ chế Vành đai 3 làm hệ thống đường sắt đô thị
Phát biểu tại buổi làm việc, ngoài những thông tin về việc thực hiện Nghị quyết 43, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi còn đề cập Nghị quyết 57.
"Việc thực hiện Nghị quyết 57 rất thành công, rất hiệu quả. Trong bối cảnh khi chưa điều chỉnh được mặt bằng pháp lý chung thì nên áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề lớn"- Chủ tịch UBND TP HCM nói. Đơn cử sắp tới, TP HCM phát triển hệ thống đường sắt đô thị nên tiếp cận theo cách này mới rút ngắn được thời gian thực hiện, mới có cơ chế huy động được nguồn vốn, có cơ chế mở cho một tổ chức quản lý, vận hành dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, tháng 6-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 57 về Vành đai 3, đến cuối năm 2022 phê duyệt dự án. Chỉ trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, "chúng ta đã thấy được hình hài con đường. Việc này không đơn giản với một con đường có vốn đầu tư trên 75.000 tỉ đồng. Không có công trình nào có tốc độ như Vành đai 3, trừ công trình đường dây điện Bắc - Nam"- ông Phan Văn Mãi nhận xét. Theo ông, nên mạnh dạn mở thêm cơ chế, chính sách để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.
Ông Phan Văn Mãi cho biết sắp tới, TP HCM sẽ cùng với các địa phương trình hồ sơ dự án Vành đai 4. TP HCM cũng tập trung để trình đề án về hệ thống đường sắt đô thị của thành phố, xin cơ chế huy động nguồn vốn đủ lớn, khoảng 20 tỉ USD, để thực hiện.
Đồng thời, TP HCM xin một cơ chế giống như cơ chế Vành đai 3 về chuẩn bị, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án để rút ngắn thời gian. Khâu chuẩn bị từ 3 năm, khâu xây dựng từ 5 năm thì mới mong đến năm 2035 hoàn thành được hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn TP HCM như Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
TP HCM cũng sẽ trình cơ chế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố.
Về vai trò đầu mối của TP HCM trong thực hiện Vành đai 3, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã thể hiện trong việc tham mưu ban hành Nghị quyết 57, rồi ban hành quy chế phối hợp, kế hoạch chung. "Định kỳ 2 tháng một lần sẽ họp chủ tịch UBND các tỉnh, thành Vùng Đông Nam Bộ, bàn nhiều vấn đề, trong đó có Vành đai 3. Quyết tâm theo như tiến độ Nghị quyết 57 đề ra, đến cuối năm 2025 là cơ bản thông xe, năm 2026 hoàn thiện, năm 2027 quyết toán"- Chủ tịch UBND TP HCM thông tin.
Ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Quốc hội cho phép phần kinh phí dư ra (kể cả vốn Trung ương và địa phương) được sử dụng để nghiên cứu các hạng mục liên quan Vành đai 3 theo cơ chế không tăng tổng mức đầu tư thì không điều chỉnh dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, các cơ chế từ Nghị quyết 57 cần được nghiên cứu để tiếp tục phát huy, tận dụng kết quả tích cực từ dự án Vành đai 3 để nhân ra các dự án khác. Đơn cử là cơ chế chỉ định thầu tư vấn. Nếu không thực hiện cơ chế này thì sẽ kéo dài 1-3 năm.
Vành đai 3 hiện đại, ấn tượng
Trước đó, phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu trong đoàn giám sát cũng đề nghị nhân rộng những bài học tích cực từ dự án Vành đai 3 - TP HCM. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, khi đi khảo sát dự án, bà đã hình dung trong đầu một Vành đai 3 rất hiện đại, rất ấn tượng.
Dự án này để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là kết quả đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo bà Phạm Thúy Chinh, một trong những nguyên nhân quan trọng là TP HCM cũng như các địa phương lấy người dân làm trung tâm, từ việc khảo sát, điều tra xã hội học, lấy ý kiến, bố trí tái định cư… Đây là những bài học rất quan trọng trong việc triển khai các dự án trọng điểm sau này.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của dự án Vành đai 3 được triển khai đúng theo quy định của pháp luật hiện hành; tiến độ thực hiện đảm bảo Nghị quyết 57 và Nghị quyết 105/2022 của Chính phủ.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định phê duyệt Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đã được triển khai thực hiện theo quy định.
Đến ngày 30-12-2023, dự án Thành phần 2 đã thực hiện thu hồi được 399,090 ha/410,439 ha (97,23%), đã chi trả cho các trường hợp bị ảnh hưởng với giá trị là 7.629.981 tỉ đồng/10.441,989 tỉ đồng (đạt 73,07%).
Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi
Về thực hiện Nghị quyết 43, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay sau 2 năm, TP HCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi; tốc độ tăng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, TP HCM vẫn còn một số hạn chế, như mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội chậm được xử lý, ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực.
Nhiều giải pháp sẽ được TP HCM thực hiện trong thời gian tới, trong đó có vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố; huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển.
Bình luận (0)