Biết chắc sẽ bỏ cọc Thủy Tạ
Ngày 8-12, tại Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026, khi nói về giá đất tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng trong một thời gian, đơn vị tư vấn xác định giá đất quá cao, kể cả so với giá thị trường. Có một số khu đất đưa ra đấu giá nhưng không tìm được nhà đầu tư quan tâm và nhà hàng Thủy Tạ là một trường hợp điển hình.
Ông Hiệp cho biết sau khi đấu giá thành công (ông Đoàn Hải Hà trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ với giá 15,15 tỉ đồng/năm, phải đóng tiền một lần 151,5 tỉ đồng/10 năm thuê) thì Sở Tài chính và UBND TP Đà Lạt báo cáo kết quả khả quan khi mức trúng đấu giá cao.
"Tôi nhắn ngay là người ta sẽ bỏ cọc. Làm gì để có một tháng hơn 1,2 tỉ đồng để trả tiền đất, đó là chưa nói về doanh số, về lợi nhuận, về cơ hội đầu tư"- ông Trần Văn Hiệp kể.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định sau khi về người ta suy nghĩ trong 30 ngày mới sinh ra một cái "mẹo" là xin được đổi tên Thủy Tạ. Đó là kỹ thuật của người ta thôi. Không thể đổi tên Thủy Tạ thành Thủy Tạ HV hay Thủy Tạ AB gì đó được. Nó là câu chuyện mang tính truyền thống, mang tính lịch sử và không thể bán đứng chuyện đó được. Người ta đánh ngay vào điểm đó.
Do vậy, ông Hiệp cho rằng sắp tới phải có phương án giải quyết vấn đề đấu giá này để tránh gây những việc không mong muốn. Với nhà hàng Thủy Tạ vẫn phải chờ hết thời hạn 90 ngày giải quyết, cũng rất khó khăn để đàm phán với nhà đấu giá liền kề (người có giá thấp liền kề mức giá ông Đoàn Hải Hà), và sau thời gian 90 mới có thể thực hiện công tác đấu giá lại.
Không để Đà Lạt thành du lịch bình dân
Đánh giá về các báo cáo của lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, ông Hiệp cho rằng đang khá ổn. Tuy nhiên, ông Hiệp lưu ý một số vấn đề, trong đó cần phải làm sao nâng cao chất lượng du lịch để tăng chi tiêu của du khách.
"Nếu để du lịch Đà Lạt trở thành du lịch bình dân là thất bại. Đi du lịch mà đem theo nồi, đem theo lẩu ra hồ Xuân Hương nấu ăn, lấy lều võng treo lên ngủ lại ngày mai về là chúng ta thất bại" - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu ví dụ. Do đó, các sở ngành phải làm sao phát huy được thế mạnh và nhanh chóng khắc phục những vấn đề tồn tại để phát triển.
Nói về vụ sạt lở taluy tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám vào tháng 6-2023, ông Hiệp đánh giá vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín của TP Đà Lạt. Nhiều người bảo đừng lên Đà Lạt nữa vì Đà Lạt đang sạt lở, đang ngập nước… Vấn đề này có một phần thuộc công tác quản lý nhà nước, có nơi chính quyền buông lỏng, thả nổi.
Ông Trần Văn Hiệp khẳng định: "Đằng sau vụ sạt trượt có yếu tố cá nhân, đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Đây là việc chưa từng có tiền lệ và bây giờ chúng ta phải làm".
Liên quan đến dự án mở rộng đèo Prenn, ông Hiệp cho biết đây là dự án trọng điểm, có tầm quan trọng đối với Lâm Đồng, được người dân rất quan tâm và ông vừa đi kiểm tra trước kỳ họp HĐND này.
Đến nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 85% tiến độ. Dự kiến giữa tháng này sẽ thông đầu tuyến từ TP Đà Lạt về đến Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và sau đó sẽ thông đoạn còn lại trước Tết Nguyên đán 2024.
"Người con gái đẹp, nhiều người đến cầu hôn nhưng không cưới"
Nói về tình hình doanh nghiệp đến đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp cho biết năm 2023, toàn tỉnh chỉ thu hút được 16 dự án đầu tư ngoài ngân sách với vốn đầu tư khoảng 16.000 tỉ đồng, 2 dự án FDI với vốn đăng ký 1,4 triệu USD. Đây là con số quá thấp so với yêu cầu, tiềm năng của Lâm Đồng. Việc này thuộc trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh.
"Tỉnh mình như người con gái đẹp, ai cũng đến cầu hôn, ai cũng đến xem mặt nhưng không ai cưới. Do đó phải được tính toán lại" - ông Trần Văn Hiệp ví dụ.
Bình luận (0)