Nhân dịp năm mới 2024, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về những quyết tâm trong năm 2024 tại "thủ phủ công nghiệp" này.
Phóng viên: Thưa ông, việc đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị quốc tế quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Bình Dương?
Ông Võ Văn Minh: Năm 2023, tỉnh Bình Dương đã tích cực, chủ động đăng cai nhiều sự kiện quốc tế có quy mô lớn như Gặp gỡ Nhật Bản 2023, Gặp gỡ Singapore 2023, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Horasis 2023...
Các chương trình, hội nghị được tổ chức thành công, đã tạo tiếng vang lớn và để lại dấu ấn đậm nét về những hội nghị quốc tế, những hoạt động ngoại giao kinh tế năng động và hiệu quả. Qua đó, góp phần thắt chặt mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia, giới thiệu quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư hấp dẫn, các chính sách hỗ trợ đầu tư và thể hiện sự ổn định chính trị đến bạn bè quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời, góp phần thu hút thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương. Riêng trong năm 2023, tỉnh đã thu hút 1 tỉ 543 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15-1-2024, toàn tỉnh đã thu hút được 4.227 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,3 tỉ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP HCM và Hà Nội.
Những chương trình sự kiện lớn còn là cơ hội tiếp cận và nắm bắt kịp thời những tri thức, tầm nhìn và các xu thế mới của thời đại, các công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đặc biệt, việc phối hợp tổ chức sự kiện lớn với các tổ chức như Horasis - một tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế được thành lập từ năm 2005 với sứ mệnh kết nối nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; hay là thành viên của Cộng đồng Thông minh Thế giới ICF và là thành viên của tổ chức WTCA hiện bao gồm 315 WTC thành viên ở hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, thúc đẩy cơ hội thương mại và đầu tư trên thế giới với hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới; ... đã mang đến những giá trị tích cực trong phát triển kinh tế thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và Đề án Thành phố thông minh Bình Dương nói riêng.
Đây cũng là dịp nhằm khích lệ mạnh mẽ cộng đồng Bình Dương (doanh nghiệp, viện - trường, người dân) hiểu được sâu và rộng hơn về những định hướng chiến lược của lãnh đạo trong công tác xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Từ đó, chính cộng đồng cũng xác định được vai trò và kế hoạch của mình nhằm đóng góp vào chương trình chung của toàn tỉnh.
Các sự kiện đã góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Kết quả, sau 5 năm liên tiếp Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của Thế giới – SMART 21 và là Top 7 trong 3 năm liên tiếp 2021-2022- 2023, trong năm 2023, Bình Dương đã được ICF vinh danh đạt Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Phóng viên: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, Bình Dương sẽ tập trung vào các hoạt động đối ngoại, hợp tác đầu tư và hội nhập quốc tế như thế nào?
Ông Võ Văn Minh: Trong năm 2024, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối ngoại, triển khai thực hiện hiệu quả, nhịp nhàng việc phối hợp giữa công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, với định hướng tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, nâng tầm hợp tác song phương và đa phương, kết hợp thu hút đầu tư công nghệ cao, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực... Từ đó, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các hoạt động đối ngoại, hợp tác đầu tư và hội nhập quốc tế mà Bình Dương sẽ tập trung thực hiện trong năm 2024 được Bình Dương chia thành 2 nội dung. Thứ nhất là về các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh Bình Dương, kết hợp thu hút đầu tư, trong năm 2024, tỉnh Bình Dương tiếp tục đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị hội thảo quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại của địa phương.
Tiêu biểu như họp mặt Lãnh sự đoàn và các cơ quan nước ngoài năm 2024 và "Tọa đàm Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027", được tổ chức thành công vào ngày 23-1-2024; Tổ chức "Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc", dự kiến vào ngày 14 đến 16-4-2024.
Sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2024" do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức, dự kiến vào ngày 16 và 17-5-2024; Sự kiện kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Yamaguchi (12-2014 – 12-2024), dự kiến diễn ra vào tháng 9-2024.
Triển lãm tự động hóa và công nghệ điện điện tử 2024 kết hợp với các đối tác từ Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2024; Triển lãm về Chuỗi cung ứng về công nghiệp xanh 2024 phối hợp với đối tác từ Vương quốc Anh.
Đồng thời trong năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các buổi thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và các buổi đối thoại doanh nghiệp nhằm tiếp tục tăng cường công tác ngoại giao kinh tế của địa phương.
Về hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hội nhập quốc tế kết hợp thu hút đầu tư. Trong năm 2023, tỉnh đã ký kết Bản Ghi nhớ về thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị mới với 2 địa phương nước ngoài: Bang Nebraska (Hoa Kỳ) và tỉnh Artemisa (Cuba). Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 13 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Tổ chức Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).
Trên cơ sở của những thỏa thuận về hợp tác với các địa phương nước ngoài, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại,...; các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, đoàn doanh nghiệp, khảo sát, học tập kinh nghiệm, trao đổi giao lưu văn hóa - xã hội kết hợp với tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Song song với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương hiện hữu, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai thiết lập quan hệ và xúc tiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Dương với tỉnh Ishikawa (Nhật Bản); tỉnh Khon Kean (Thái Lan); thành phố Heidelberg (Cộng hòa Liên bang Đức); dự kiến tìm hiểu về thành phố Adelaide (trung tâm tiểu bang Nam Úc);... nhằm phục vụ công tác hội nhập quốc tế của tỉnh.
Phóng viên: Theo quy hoạch, đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, trở thành động lực phát triển của Vùng và cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, Bình Dương có những giải pháp đột phá nào?
Ông Võ Văn Minh: Trong xây dựng quy hoạch tỉnh lần này, Bình Dương không chỉ tập trung vào việc tạo điều kiện cho người dân địa phương, mà còn đặt mục tiêu lan tỏa thành quả phát triển ra cả vùng miền và cả nước.
Trong đó, các chủ trương và quyết sách đột phá đã được đề ra, là đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, cải tạo đô thị để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho mọi người dân. Cùng với đó, Bình Dương cũng đề cao vấn đề phát triển nguồn nhân lực, thông qua việc tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của tỉnh và cả vùng trong thời gian tới.
Tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong liên kết vùng và mô hình tăng trưởng kinh tế. Đối mặt với nhiều thách thức, quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này đã đề xuất một loạt giải pháp cụ thể và toàn diện.
Trong việc giải quyết điểm nghẽn liên kết vùng, tỉnh đã tập trung xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án mở rộng và cải thiện các tuyến đường cao tốc, đường sắt và đường bộ để kết nối Bình Dương với các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tỉnh đã đề xuất việc xây dựng các khu vực công nghiệp mới tại các vị trí chiến lược để giảm bớt áp lực lưu lượng giao thông tại các khu vực hiện tại.
Trong mô hình tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế và tăng cường cạnh tranh. Điều này bao gồm việc tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và dịch vụ tài chính, chuyển đổi số cùng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho các ngành công nghiệp này. Đồng thời, tỉnh đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng cường thu nhập cho người dân.
Cảm ơn ông!
Bình luận (0)