Nhân dịp tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thuỵ Sĩ, chiều ngày 16-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwabs, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Oleksandrovych Zelensky và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo.
Tại cuộc gặp với Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwabs, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab đã trao đổi về những chủ đề lớn của Hội nghị WEF Davos 2024, những thách thức hiện nay, các xu thế phát triển mới và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF.
Thủ tướng cảm ơn Diễn đàn và Giáo sư Schwab đã hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Thủ tướng đánh giá cao sự giúp đỡ của WEF trong trao đổi, tư vấn, xây dựng chính sách, kết nối với các doanh nghiệp thành viên WEF, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.
Vui mừng lần đầu tiên chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng sự tham dự và những chia sẻ sâu sắc, tầm nhìn định hướng chiến lược của Thủ tướng mang đến những thông điệp, giải pháp quan trọng ứng phó với các thách thức, khôi phục niềm tin toàn cầu. Chủ tịch WEF đánh giá cao Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, là một nền kinh tế đang cải cách mạnh mẽ, tập trung vào các ngành công nghệ cao, chế tạo, thúc đẩy phát triển xanh,... sẽ sớm trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Chính phủ trân trọng mời Giáo sư Klaus Schwab và lãnh đạo WEF sớm thăm Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng WEF tổ chức các hội nghị giữa kỳ tại Việt Nam, thúc đẩy kết nối và phát huy vai trò của WEF tại khu vực.
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và Giám đốc điều hành WEF Jeremy Jurgens đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahihi đã ký Ý định thư tham gia Sáng kiến Mạng lưới tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng.
Đây là những lĩnh vực hợp tác quan trọng triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026. Các văn kiện hợp tác này là nền tảng quan trọng để tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF đi vào chiều sâu với các kết quả thực chất, giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực để chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó thiết lập hệ sinh thái đồng bộ để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hàn Quốc
Trong cuộc gặp Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện quan hệ hai nước trên cơ sở lòng tin chính trị giữa lãnh đạo cấp cao, quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp, địa phương và nhân dân hai nước; đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi, trong đó trọng tâm là tạo bước chuyển lớn về hợp tác kinh tế. Trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân là nền tảng vững chắc để làm quan hệ hai nước mạnh mẽ hơn, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Han Duck-soo chuyển lời mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Hàn Quốc.
Tổng thống Ukraine cảm ơn Việt Nam
Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Oleksandrovych Zelensky, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Ukraine. Trước tình hình hiện nay, để duy trì đà quan hệ, hai bên nhất trí phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tìm kiếm các biện pháp để khôi phục trao đổi thương mại về những mặt hàng hai bên có thế mạnh.
Thủ tướng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế tạo điều kiện để các bên liên quan đàm phán, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân.
Tổng thống Ukraine đánh giá cao lập trường của Việt Nam; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Ukraine đã hỗ trợ bảo đảm an toàn và sơ tán công dân Việt Nam tại Ukraine. Mong chính quyền Ukraine tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân Việt Nam đang tiếp tục sinh sống, làm việc và hoạt động tại Ukraine.
Thủ tướng Bỉ thúc đẩy sớm thông qua EVIPA
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp, đặc biệt là cấp cao; đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời mời Nhà Vua và Hoàng Hậu Bỉ cũng như Thủ tướng Alexander De Croo sớm thăm Việt Nam.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, hai Thủ tướng khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, gắn văn hóa với du lịch. Về Đối tác chiến lược về nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh.
Thủ tướng Alexander De Croo khẳng định, EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên; chia sẻ sự quan tâm và sẽ thúc đẩy sớm thông qua EVIPA.
Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trao đổi về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ ủng hộ lập trường của ASEAN, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bình luận (0)