Chiều 2-1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) cho hay vừa chữa trị thành công cho ông P.V.C. (73 tuổi, ở Trà Vinh) bị vết thương kéo dài dai dẳng nửa thế kỷ không lành.
Năm 1973, ông C. bị miểng bom cắt vào mắt cá chân phải, gây nhiễm trùng. Ông tự băng bó, uống kháng sinh, vết thương thấy lành. Tuy nhiên, từ đó về sau, vết thương cứ phập phù, lành rồi tái phát.
Năm 1998, bị mắc thêm bệnh tiểu đường nữa thì tình trạng ông C. càng tồi tệ hơn, vết thương đau nhức dù đã được tiểu phẫu 3 lần cắt bỏ vùng hoại tử song vẫn trở chứng.
Gần đây, chỗ tổn thương cũ tiếp tục "lên tiếng", ông nhập viện trong tình trạng vết thương sưng đỏ, đau nhức nhiều, sốt cao… với mong muốn làm sao giải quyết được nỗi thống khổ đeo bám suốt hơn 50 năm qua.
ThS-BS chuyên khoa I Hà Thị Ngọc Bích, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường-Bệnh viện Tâm Anh, cho biết vết thương ở chân bệnh nhân bị nhiễm trùng mô sâu, hoại tử, nếu điều trị không tốt có thể nhiễm trùng lan rộng hơn.
Các bác sĩ liên chuyên khoa lên phác đồ điều trị đặc biệt, loại bỏ mô hoại tử, mủ, sát trùng vết thương và cắt lọc mỗi ngày, đặt máy hút áp lực âm giúp tăng sinh các mô tế bào mới từ từ,…
Với sự kiên trì của người bệnh và sự tận tụy chăm sóc của các y bác sĩ, vết thương "chai lì" đã được cứu thành công, vùng da mới lành lặn thay vết lở loét, hết đau nhức trước kia.
Theo các bác sĩ, ở mắt cá chân là nơi vận động nhiều. Với người bình thường, vết thương kiểu này đã là khó lành, ở người bị tiểu đường thì càng khó hơn. Phải có một phác đồ điều trị đặc biệt mới chữa lành những vết thương nhiễm trùng kiểu này, đặc biệt ở người có bệnh nền tiểu đường.
Bình luận (0)