Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách do Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Lưu Mai trình bày, tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 chịu nhiều tác động từ các yếu tố trong nước và ngoài nước.
Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, nhất là bão số 3, sạt lở ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh, sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến GRDP của nhiều địa phương... Đây là các yếu tố tác động không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2024.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách kịp thời của Quốc hội, sự điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2024 đạt được nhiều kết quả khả quan.
Bên cạnh các kết quả tích cực, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có đánh giá toàn diện tác động tiêu cực của bão số 3, hậu quả của sạt lở, lũ lụt... đến thu chi NSNN năm 2024, hệ lụy cho năm tiếp theo, đặc biệt về những thiệt hại phát sinh để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2024.
Về dự toán NSNN năm 2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh năm 2025 dự kiến kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định. Tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia.
Trong nước, nền kinh tế với độ mở lớn; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh... vẫn là những thách thức. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch tài chính, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, việc xây dựng dự toán có ý nghĩa quan trọng trong việc dự kiến hoàn thành các mục tiêu đã được đưa ra tại Nghị quyết 23.
Về kế hoạch tài chính - NSNN trong 3 năm 2025-2027, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ các khoản còn dư địa thu, nâng cao chất lượng công tác dự báo để phấn đấu tăng thu năm 2024 ở mức cao nhất làm căn cứ xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 tích cực hơn.
Về thu NSNN, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách tác động làm giảm thu NSNN. Căn cứ Kết luận số 83 của Bộ Chính trị, căn cứ Nghị quyết 27 của Trung ương, nhất trí với kiến nghị trong báo cáo về việc cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với kiến nghị trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp người có công. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 để thực hiện thống nhất.
Bình luận (0)