Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Dự thảo được lấy ý kiến đến hết ngày 5-3 trước khi được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành.
Bất an với nhiều tuyến cao tốc
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 cơ bản hoàn thành 5.000 km. Đến đầu năm 2024, cả nước đã có gần 2.000 km đường bộ cao tốc trải dài từ Bắc đến Nam.
Ngày 18-2, vụ tai nạn thảm khốc trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm 3 người tử vong đã bộc lộ những bất cập trên các tuyến cao tốc hiện tại. Tuyến cao tốc này dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do lỗi ý thức của người tham gia giao thông, nhiều ý kiến cho rằng có cả nguyên nhân do thiết kế cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, tạo nút thắt cổ chai khi nhập làn đã tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết từ khi đưa vào khai thác đến nay, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều vụ tai nạn. Là người hay lưu thông trên tuyến cao tốc này, bà Sửu cho biết cảm thấy rất bất an. "Nhiều bất cập của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nói riêng và những tuyến cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách, thiếu làn dừng khẩn cấp đã được chúng tôi phản ánh thông qua các kỳ họp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - bà Sửu cho hay.
Sau vụ tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong, bà Sửu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng các chuyên gia giao thông thị sát đoạn cao tốc này để ghi nhận những bất cập trong việc tổ chức giao thông, thiết kế tuyến đường. "Tôi mong ngành giao thông sớm nâng cấp tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên ít nhất là 4 làn xe. Chỉ có như vậy mới hạn chế được tai nạn" - bà Sửu kiến nghị.
Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), ngành giao thông cần nâng cấp các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe. Theo ông, vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngoài lỗi của người lái xe còn một phần do tuyến đường cao tốc quá hẹp, gây khó khăn cho việc điều khiển phương tiện. Do đó, đã là đường cao tốc thì ít nhất phải có 2 làn xe và một làn dừng khẩn cấp mỗi chiều để bảo đảm an toàn giao thông.
Không chỉ các đại biểu Quốc hội lên tiếng, tháng 10-2023, qua khảo sát, Bộ Công an cũng đã đề nghị Bộ GTVT khắc phục ngay những bất hợp lý về việc xây dựng và tổ chức giao thông trên 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc gồm: Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Nội Bài - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hà Nội - Thái Nguyên. Theo Bộ Công an, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe, bề rộng đường 23 m, cứ 10 km bố trí 1 đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Đoạn đường tương đương đường cấp III đồng bằng (giống đoạn Túy Loan - La Sơn) với lưu lượng 1.500 lượt phương tiện/ngày đêm. Từ khi thông xe (ngày 31-12-2022) đến tháng 10-2023 (thời điểm Bộ Công an gửi văn bản tới Bộ GTVT) đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông.
Bộ GTVT cũng thấy… nguy hiểm
Hồi cuối năm 2023, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư, trong đó lý giải vì sao phải phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371 km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải đầu tư các tuyến cao tốc 2 làn xe bởi quy mô phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn và trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc phân kỳ đầu tư là cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đánh giá một tuyến cao tốc đúng chuẩn bắt buộc phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, phải có làn dừng khẩn cấp liên tục, có một số công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, thời gian qua, do điều kiện khó khăn về tài chính nên chúng ta áp dụng tiêu chuẩn để phân kỳ đầu tư, dẫn đến tình trạng một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn kể trên. Ví dụ có những tuyến chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà thay bằng điểm dừng khẩn cấp... "Trường hợp những điều kiện này khi đã được nâng thành quy chuẩn về thiết kế đường cao tốc thì bắt buộc phải tuân thủ. Tất cả đường cao tốc sẽ phải đáp ứng đủ các yêu cầu này" - ông Chủng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất 6 giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, để ban hành trong quý I/2024. Theo Bộ GTVT, quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc này thay thế cho quy định hiện hành - không quy định số làn tối thiểu khi thiết kế ban đầu mà chỉ quy định đường cao tốc được thiết kế phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ.
Về tốc độ thiết kế, dự thảo quy chuẩn quy định 3 cấp tính theo tốc độ xe chạy: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ; cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/giờ, được nghiên cứu. Trong đó, cấp 80 km/giờ chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn, hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư.
Tối thiểu phải có 4 làn xe chạy
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, cả nước có gần 2.000 km đường cao tốc, song quy mô không đồng đều, có cao tốc phân kỳ đầu tư, có cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe hay có tuyến gọi là tiền cao tốc. Đối với phân kỳ đầu tư cao tốc, dự thảo quy định tuyến cao tốc có cấp quy hoạch cao hơn sẽ được làm ở mức tối thiểu. Ví dụ, theo quy hoạch tuyến đường cao tốc đó là 4 làn xe, dứt khoát không phân kỳ. Quy hoạch 6-8 làn xe có thể phân kỳ đầu tư theo 4 làn, mỗi bên 2 làn và có làn dừng, đỗ khẩn cấp.
Khẩn trương điều chỉnh tổ chức giao thông đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ngày 20-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra ngày 18-2 khiến 3 người chết.
Bộ trưởng giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cùng với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường; khắc phục ngay những bất cập để bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông. Các đơn vị triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc này để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn nhằm triển khai thực hiện.
Bình luận (0)