Thị trường chứng khoán tuần giáp Tết Nguyên đán 2024, giao dịch bất ngờ tăng vọt. Chỉ riêng sàn HoSE, thanh khoản đã đạt tới 86.459 tỉ đồng, tăng 17,7% so với tuần trước. Tương tự, thanh khoản tại sàn HNX cũng tăng mạnh 21,8%. Tuy nhiên, các chỉ số và giá cổ phiếu không bứt phá mà liên tục bị chốt lời mỗi khi bật tăng.
Chốt lời "ăn Tết"
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, phân tích vài năm trở lại đây, VN-Index thường giảm mạnh trước Tết, như năm 2023 do tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu; năm 2020 là ảnh hưởng đại dịch COVID-19...
Năm 2024, VN-Index những tuần trước Tết có tăng nhưng giao dịch lại khá èo uột, dòng tiền liên tục dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu này đến nhóm cổ phiếu khác chứ không lan tỏa toàn thị trường khiến không ít nhà đầu tư cá nhân "chóng mặt" - vừa mua vào thì cổ phiếu giảm, chán nản bán ra thì giá lại tăng.
Chuyên gia của KIS Việt Nam lý giải có thể do nhà đầu tư tổ chức lẫn nước ngoài nhìn thấy những triển vọng tích cực của nền kinh tế và doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm ngân hàng, nên vẫn duy trì dòng tiền vừa phải giúp nâng đỡ thị trường trong lúc nhà đầu tư cá nhân "nghỉ Tết sớm" vì chưa thấy tín hiệu khả quan.
"Dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức chảy vào mạnh nhưng không đủ sức kéo cả thị trường, họ chọn kéo từng dòng cổ phiếu có triển vọng giúp VN-Index duy trì đà tăng và thiết lập mặt bằng giá mới" - ông Trương Hiền Phương nói.
Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, phân tích triển vọng tích cực từ các luật vừa được thông qua như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai (sửa đổi)… để phản ánh vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thì cần có thời gian.
"Quan trọng hơn là nhà đầu tư và thị trường sẽ lượng hóa thông tin tích cực từ những chính sách mới ra sao? Thời điểm này đang là mùa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, bức tranh lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng nên VN-Index dù đi lên nhưng khó tạo thành sóng tăng thật sự" - ông Khánh nêu quan điểm.
Chờ tín hiệu sau Tết
Dù nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn bán ra để lấy tiền "ăn Tết" cũng như giảm thiểu rủi ro trong kỳ nghỉ Tết dài (từ ngày 8-2 đến hết 14-2) thì vẫn có nhiều người âm thầm "nhặt" cổ phiếu có triển vọng tốt để chờ sóng tăng sau Tết. Trong đó, các nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, năng lượng xanh, chứng khoán, dầu khí… được nhận định có nhiều tiềm năng.
Ghi nhận tại nhiều công ty chứng khoán, các nhân viên môi giới cũng tư vấn khách hàng giải ngân vào các cổ phiếu thuộc dòng bất động sản khu công nghiệp, dầu khí… trong bối cảnh nền kinh tế vừa đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,37% so với cùng kỳ; chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) và xuất nhập khẩu đều cải thiện tích cực. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, khi vốn đăng ký mới tăng 40,2%, vốn thực hiện tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Anh Huỳnh Nam (ngụ TP HCM) - nhà đầu tư đã tham gia thị trường nhiều năm - cho biết mình vẫn mua thêm cổ phiếu chứng khoán trong các phiên VN-Index điều chỉnh giảm với kỳ vọng thị trường sẽ có sóng tăng tích cực sau Tết.
"Tôi chọn cổ phiếu của các công ty chứng khoán báo lãi lớn trong năm 2023, đồng thời dự kiến sẽ chia cổ tức với tỉ lệ cao ở mùa đại hội cổ đông sắp tới" - anh Nam nói.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng trong những phiên giao dịch ngắn ngủi trước Tết, nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên giảm mua tích lũy cổ phiếu khi thông tin vĩ mô trong nước tích cực; lạm phát và lãi suất VNĐ duy trì xu hướng giảm.
"Tỉ giá gần đây đã hạ nhiệt giúp giải tỏa áp lực tâm lý đối với một bộ phận nhà đầu tư. Dòng tiền - đặc biệt là của nhà đầu tư cá nhân - sẽ quay trở lại thị trường mạnh mẽ sau Tết, thúc đẩy các chỉ số chứng khoán đi lên. Nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh trước Tết để mua cổ phiếu, ưu tiên ngành có thông tin cơ bản hỗ trợ như ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ" - ông Hinh nói.
Theo Công ty Chứng khoán SHS, trong ngắn hạn, VN-Index ở nhịp tăng nhưng xu hướng kiểm tra lại vùng hỗ trợ của nền tích lũy nhỏ vẫn chưa kết thúc. Về trung hạn, thị trường đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và kỳ vọng VN-Index sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 - 1.250 điểm. Với quan điểm tích cực, các chuyên gia của SHS nhận định trong những phiên giao dịch trước Tết Nguyên đán, VN-Index có thể hướng tới vùng cản tâm lý 1.200 điểm.
Bình luận (0)