Phiên giao dịch ngày 24-4, thị trường chứng khoán trong nước đảo chiều tăng mạnh sau phiên lao dốc trước đó. VN-Index nhanh chóng lấy mốc 1.200 điểm và chốt phiên tại 1.205,61 điểm, tăng mạnh 28,21 điểm (+2,4%) và lọt vào nhóm những thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới trong ngày. Các chỉ số của sàn Hà Nội cũng tăng khá mạnh.
Diễn biến thị trường cho thấy bao nhiêu u sầu của nhà đầu tư trong phiên ép giảm gần 13 điểm ngày 23-4 đã tan biến hết khi thị trường đánh thốc lên rất nhanh trong phiên này. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tích cực với số mã tăng gấp hơn 6 lần mã đỏ (435 mã tăng/69 mã giảm giá). Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 240 tỉ đồng vẫn không ngăn được đà tăng này.
Dù vậy, trên thị trường vẫn có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân "chóng mặt, say sóng" và cả tiếc nuối với diễn biến "quá nhanh và mạnh" trong 3 ngày qua. Những người hưng phấn, lạc quan mua vào trong phiên tăng mạnh đầu tuần đã lo lắng bán tháo trong phiên lao dốc sau đó. Đến phiên này, họ ngồi nhìn những cổ phiếu mình đã "cắt lỗ" bật tăng mạnh nhưng không dám mua lại.
Theo Công ty Chứng khoán BETA, hỗ trợ cho nhịp tăng nhanh và mạnh của thị trường phải kể đến các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là FPT khi tăng kịch trần và vượt đỉnh 52 tuần sau thông tin tập đoàn này kết hợp với đại gia công nghệ NVIDIA xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc tỉ giá USD/VNĐ có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước đã giúp tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn. Có điều, dù bứt phá mạnh về điểm số, song thanh khoản của thị trường lại xuống khá thấp do nhiều nhà đầu tư chưa dám mua vào sau những cú giảm mạnh vừa qua. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE giảm đến 22,3% so với mức trung bình 20 phiên.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc khối khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán DNSE, nhận định thông tin tích cực từ việc hệ thống KRX sẽ chính thức đưa vào vận hành từ đầu tháng 5 đã góp phần giải tỏa tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Ngoài ra, chứng khoán quốc tế phục hồi trong 2 ngày qua cũng là thông tin tích cực. "Với phiên tăng mạnh ngày 24-4, thị trường đã xác lập vùng đáy ngắn hạn nhưng để hình thành xu hướng tăng mới cần thời gian quan sát và theo dõi tiếp" - ông Phương nói.
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BETA, cũng cho rằng những động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đã giúp tỉ giá có dấu hiệu chững lại; thông tin đưa hệ thống KRX vào vận hành và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng về việc nâng hạn chứng khoán đã hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Ngoài ra, đợt sụt giảm mạnh vừa qua khiến VN-Index giảm xuống dưới 1.200 điểm, đưa giá của nhiều cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn, từ đó kích hoạt dòng tiền đầu tư trung - dài hạn đổ vào thị trường. "Những tin xấu đã được thị trường phản ánh trong đợt lao dốc tuần trước. Với nhà đầu tư, thời điểm này có thể tập trung vào cổ phiếu của một số ngành triển vọng như ngân hàng khi thông tin chia cổ tức dồn dập với tỉ lệ khá cao" - ông Hữu Phương nói.
Dù vậy, các công ty chứng khoán nhận định thị trường đang khá nhạy cảm với tin tức trong giai đoạn này, tức rủi ro giảm ngắn hạn của thị trường vẫn còn khi xuất hiện thông tin không tốt. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng quan sát diễn biến của tỉ giá, động thái giao dịch của khối ngoại, tránh tâm lý mua đuổi cổ phiếu bằng mọi giá để hạn chế rủi ro.
Tỉ giá chững lại
Ngày 24-4, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.274 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 25.177 đồng/USD mua vào, 25.487 đồng/USD bán ra. Cả tỉ giá trung tâm lẫn tỉ giá trong ngân hàng thương mại đều giảm 1 đồng so với hôm trước, chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp những ngày qua. Đáng chú ý, giá USD trên thị trường tự do lao dốc mạnh xuống 25.560 đồng mua vào, 25.660 đồng/USD bán ra, giảm khoảng 40 đồng so với hôm trước.
Bình luận (0)