VN-Index xuất hiện phiên giảm đầu tiên sau chuỗi ngày tăng liên tiếp khiến nhà đầu tư có một phen "thót tim". Trong phiên ngày 21-5, có thời điểm thị trường chứng khoán điều chỉnh, rung lắc khá mạnh với lực bán xuất hiện, kéo VN-Index lùi sâu về mốc 1.268 điểm, giảm khoảng chục điểm so với giá mở cửa.
Dù vậy, lực cầu bắt đáy và dòng tiền đứng ngoài tham gia trở lại đã giúp thị trường phục hồi lên sát mức tham chiếu rồi VN-Index đóng cửa ở mốc 1.277 điểm, giảm 0,44 điểm; HNX tăng nhẹ lên 243,29 điểm (+0,72 điểm) so với phiên trước.
Tổng khối lượng giao dịch giảm 16,3% so với phiên trước, giá trị giao dịch xấp xỉ 24.000 tỉ đồng và vẫn duy trì trên trung bình 20 phiên.
Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng thị trường đã có phiên phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Áp lực điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, kéo thị trường đỏ điểm, như ngân hàng (-0,21%), thép (-0,37%), bất động sản dân cư (-0,09%)…
Ở chiều ngược lại, lực cầu vào thị trường vẫn rất lớn với khối lượng khớp lệnh ở mức cao. Số nhóm ngành tăng điểm vẫn chiếm áp đảo (13/21 nhóm ngành tăng) như phân bón (+3,87%), dệt may (+3,35%), đường (+1,95%)…
"Áp lực chốt lời tăng cao trong 2 phiên gần đây, song dòng tiền vào thị trường rất mạnh, hấp thụ hết những lượng cung đã bán ra, giúp thị trường chưa thể điều chỉnh giảm sâu. Khả năng cao VN-Index sẽ vận động đi ngang một số phiên trước khi bứt tốc vượt đỉnh của tháng 3 ở sát vùng 1.300 điểm" - chuyên gia CSI dự báo.
Điểm trừ của phiên 21-5 vẫn là việc khối ngoại tiếp tục gây áp lực lên thị trường khi duy trì đà bán ròng với giá trị lên đến gần 716 tỉ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào nhiều cổ phiếu lớn.
Ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng phân tích - Công ty Chứng khoán BETA, cho rằng VN-Index đang gặp khó tại vùng đỉnh cũ khi áp lực bán chốt lời gia tăng và tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Thị tường đang duy trì xu hướng ngắn hạn tích cực nhưng nhiều khả năng cần thêm thời gian tích lũy, động lực mới để bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.300 điểm.
"Hiện tại, nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế tâm lý mua đuổi đối với những cổ phiếu có dấu hiệu tăng nóng, tránh rủi ro trong ngắn hạn khi khả năng rung lắc, điều chỉnh giảm gia tăng" - ông Phụng nhìn nhận.
Bình luận (0)