Trong thông báo gần nhất, Fit24 cho biết đã bàn giao thiết bị máy móc cho chủ mặt bằng để thay mặt đơn vị này khai thác sử dụng nhằm giải quyết một phần khó khăn. Đến nay, đơn vị này đã bàn giao hai cơ sở tại số 2 Nguyễn Đổng Chi (quận 7) và 3 Tháng 2 (quận 10).
"Theo thông tin chúng tôi nhận được, chủ mặt bằng đã liên kết với đơn vị mới tên OMFIT để khai thác hoạt động. Đơn vị này không có quyền lợi, nghĩa vụ nào liên quan đến FIT24"- thông báo nêu rõ.
Đáng chú ý, chuỗi phòng tập Fit24 không hề nhắc đến việc sẽ thanh toán lại tiền cho hội viên. Nhiều người đã đóng cả chục triệu đồng, vừa tập được vài ngày thì chuỗi này đóng cửa, không biết cách nào đòi lại tiền.

Fit24 Hồ Xuân Hương (quận 3)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, nhận định việc Fit24 tạm ngừng hoạt động mà không được sự đồng ý của hội viên có thể được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, hội viên có quyền khởi kiện Fit24 ra tòa án, đề nghị huỷ bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (quy định tại Điều 424, Điều 427 Bộ Luật Dân sự 2015).
Bên cạnh đó, những hóa đơn, biên lai thanh toán tiền, khách hàng cũng cần lưu giữ. Những tài liệu này sẽ trở thành bằng chứng trong trường hợp yêu cầu hoàn lại tiền khi phòng tập đóng cửa hoặc xảy ra tranh chấp mà lỗi xuất phát từ phía phòng tập.
Chuỗi phòng tập gym Fit24 tại TP HCM bất ngờ thông báo tạm ngừng hoạt động tất cả chi nhánh từ ngày 5-10-2024 với lý do "bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Đơn vị này cam kết sẽ sớm mở cửa trở lại để phục vụ hội viên nhưng không nói rõ cụ thể vào ngày nào.
Trường hợp đơn vị kinh doanh chuyển nhượng (bán) lại cơ sở, máy móc thiết bị cho bên khác rồi mất tăm, không thanh toán lại tiền cho học viên thì hành vi này có thể cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản" (Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); có thể bị phạt tù đến 20 năm, bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng...
Bình luận (0)