Sau ngày ông Táo về trời (23 tháng Chạp), những người thợ nặn tượng ông Công, ông Táo ở làng Địa Linh, phường Hương Vinh, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế nhàn hạ hơn.
Làng chỉ còn 4 anh em làm nghề
Ông Võ Văn Đức (SN 1955) dáng người thấp nhỏ nhưng trông rất khỏe mạnh. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông đánh chiếc xe kéo ra khu vực tập kết đất sét để chuyển đất đi chỗ khác.
Đất sét, nguyên liệu không thể thiếu của các nghệ nhân làng Địa Linh để nặn ông Công, ông Táo, được lựa chọn rất kỹ từ những khu ruộng tốt, không bị pha cát để cho ra sản phẩm chất lượng. Giờ đây, đất sét cũng trở nên khan hiếm bởi nguồn cung ít dần.
Ông Đức là anh cả trong 4 anh em ruột đang nối nghiệp ông cha làm nghề nặn ông Công, ông Táo. Các người em của ông Đức là Võ Văn Nhật, Võ Văn Hay và Võ Văn Nam, trong đó người nhỏ nhất đã 55 tuổi nhưng họ vẫn cố bám víu vào cái nghề này, dù thu nhập thấp.
Người ta gọi 4 anh em ông Đức là các nghệ nhân của làng Địa Linh. Người nào cũng có gia đình nhưng sống cạnh nhau để cùng nương tựa làm nghề. "Nghề này cha ông tôi đã làm. Sau đó, chúng tôi học theo để có cái nghề nuôi vợ con. Trước đây, trong làng có đến hơn 10 nhà làm nhưng nay chỉ còn anh em tôi gắn bó với nghề này" - ông Đức tâm sự.
Ông Đức cho biết năm nay, ông phải kêu thêm 4 nhân công là con cháu trong nhà tham gia làm tượng mới kịp cung cấp ra thị trường. Mỗi người mỗi công đoạn, từ việc đào đất sét, nhồi đất, cho đất vào khuôn tạo hình đến đổ tượng, đem phơi khô rồi cho vào lò nung.
Sau mỗi mẻ nung, tượng được lấy ra để thợ tô màu, hoàn thiện sản phẩm. Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo không đòi hỏi tư duy nhiều nhưng lại cần người thợ có tính cần mẫn, chịu khó, đôi bàn tay phải khéo léo để trang trí sản phẩm thêm phần sinh động, đẹp mắt. Hiện mỗi bức tượng được thương lái thu mua và bán ra thị trường với giá 3.000 – 7.000 đồng. Do giá thành thấp nên người thợ chỉ lấy công làm lời để duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.
Chị Võ Thị Hằng - 31 tuổi, con gái ông Võ Văn Nam (em út trong 4 anh em ông Đức) - mấy ngày cận Tết Giáp Thìn 2024 được mời đến lễ hội Tết Huế để làm tượng ông Công, ông Táo cho du khách xem. Đôi tay của chị điêu luyện, kèm giọng nói nhẹ nhàng của cô gái Huế khiến du khách thích thú xem biểu diễn. Người ta trả công cho chị mỗi ngày 500.000 đồng, nhiều du khách còn tặng thêm tiền.
Ước mơ gắn kết du lịch
Trong căn nhà nhỏ nằm đối diện nhà ông Đức ở bên kia con đường, ông Võ Văn Nam tỉ mẩn đúc từng chiếc cốc để bán ra thị trường. Từng thỏi đất sét được nhào nặn, sau đó được bỏ vào khuôn để đúc thành những chiếc cốc, bên ngoài có hoa văn đơn giản như lá sen. Sau đó, chúng lại được đưa vào lò nung tầm 2 ngày mới cho ra sản phẩm.
4 anh em làm nghề nặn ông Công, ông Táo.
Đây là bộ "ngũ cốc" – 5 chiếc cốc được bán ra thị trường, cung cấp cho những cửa hàng dịch vụ mai táng. 5 chiếc cốc này sẽ đựng gạo, muối, lúa, nếp, tiêu rồi để vào trong quan tài chôn theo người chết.
Nơi làm việc của ông Nam là ở cửa chính ra vào căn nhà. Dù công việc bùn đất nhưng ông làm rất gọn gàng, sạch sẽ. Chỗ ông làm việc chỉ có ca nước chè, kèm ly cà phê và gói thuốc để thi thoảng ông nghỉ giải lao.
Nhấm ngụm nước chè, rít hơi thuốc, ông Nam buồn buồn khi tâm sự về nghề: "Nghề chính của chúng tôi là đúc tượng ông Công, ông Táo nhưng sau Tết thì chuyển qua đúc ngũ cốc bởi chẳng có việc gì làm nữa".
Làng "Nê ngõa tượng cục"
Vào thời Nguyễn, nhà vua cho đặt tại Địa Linh một xưởng lấy đất làm gạch với tên gọi "Nê ngõa tượng cục". Nhận thấy đất ở nơi này khác biệt so với những nơi nhác nên nhà vua đã đặt tên làng là Địa Linh.
Đất ở làng Địa Linh được lấy làm gạch phục vụ việc xây dựng các công trình, lăng tẩm, dinh thự của vua quan triều Nguyễn thời bấy giờ. Nhiều lò gạch đã được dựng lên tại Địa Linh nhưng do ô nhiễm môi trường nên người dân chuyển sang nghề nặn tượng ông Công, ông Táo.
Chúng tôi hỏi ông đúc ngũ cốc có được nhiều tiền không, thu nhập cao không? Ông Nam ngậm ngùi như không muốn trả lời: "Một chiếc chỉ 1.000 đồng. Chi phí mua đất, mua trấu về nung cũng nhiều lắm. Mà mỗi ngày làm tầm 100 chiếc cốc thôi chứ sản phẩm này làm nhiều ai mua đâu".
Nhâm nhi ly cà phê, ông Nam hồi tưởng về quá khứ cách đây vài chục năm. Khi đó, 4 anh em ông còn nhỏ nhưng ngày ngày đã phụ cha mẹ làm ông Công, ông Táo kiếm tiền. Mẻ nào ra lò là mẹ ông lại gánh xuống chợ Bao Vinh, thuê thuyền chở lên chợ Đông Ba bán rồi mua gạo, mắm về.
58 tuổi, hơn 40 năm làm nghề nên có vẻ lưng của ông Nam đã còng đi đôi chút. Bàn tay ông chai sạm bởi quanh năm tiếp xúc với đất với tro trấu.
Ông Nam kể rằng cũng có nhiều đoàn khách du lịch được công ty lữ hành đưa đến tham quan, họ ngồi cả ngày để quay phim chụp ảnh. Một số người còn tự tay nặn ông Công, ông Táo nhưng "tiền tip" ông nhận được chẳng bao nhiêu.
"Tôi ước rằng ngày càng có nhiều đoàn khách đến với làng Địa Linh, đến với anh em chúng tôi để nghề làm ông Công, ông Táo được lan toả, để những người làm nghề có thêm thu nhập" - ông Nam bày tỏ.
Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, cho biết những năm qua, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện, tuyên truyền vận động để người dân làng Địa Linh tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống.
Đúng ngày ông Táo về trời, từng ngõ xóm, kiệt phố đều được chính quyền địa phương bố trí các thùng cho người dân tới bỏ tượng ông Công, ông Táo. Sau đó, công nhân vệ sinh môi trường sẽ đến thu gom đưa đến nơi tiêu hủy. Đây là cách cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm do tình trạng vứt tượng ông Công, ông Táo tràn lan, qua đó giúp những nghệ nhân như ông Đức, ông Nam vẫn sống được với nghề.
Bình luận (0)