Với truyền thống "uống nước nhờ nguồn", luôn tôn kính những tiền nhân đi trước, giới nghệ sĩ sân khấu nhiều năm qua đã đến Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM vào ngày lễ Tết, lễ giỗ Tổ sân khấu để thắp hương tưởng nhớ những bậc tiền bối được xem là Tổ nghề, đã cống hiến và kiến tạo Đạo hát.
Do vậy, khi các nghệ sĩ lão thành được tiếp nhận vào sinh sống đến cuối đời tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè có nguyện vọng được thỉnh bàn thờ Tổ và di ảnh cố NSND Phùng Há về nơi ở mới.
Trong buổi lễ tiếp nhận các nghệ sĩ từ Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM được tổ chức tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (sáng 27-2), Hội Sân khấu TP HCM cùng ban giám đốc Sở LĐTBXH TP HCM và Ban giám đốc Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè cũng đã chuyển bàn thờ Tổ và di ảnh cố NSND Phùng Há về đặt tại Tòa nhà nghệ sĩ nằm trong Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
"Để mỗi ngày các nghệ sĩ đều có thể thắp hương Tổ nghiệp, thắp hương cố NSND Phùng Há - người đã có nhiều công lao gầy dựng Khu dưỡng lão Nghệ sĩ, người được xem là cây đại thụ, nghệ sĩ tiền bối của giới sân khấu cải lương" - ông Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM cho biết.
NSND Phùng Há là một cây đại thụ của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX. Suốt một đời sống chết với nghệ thuật cải lương tuồng cổ, bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với hàng loạt vai diễn nổi tiếng: Lữ Bố - còn gọi là Lã Bố (vở "Phụng Nghi Đình"), Dương Quý Phi (vở "Tình sử Dương Quý Phi"), An Lộc Sơn (vở "Đường Minh Hoàng du nguyệt điện"), Nguyệt Nga (vở "Kiều Nguyệt Nga"), Nguyệt (vở "Tô Ánh Nguyệt"), Lựu (vở "Đời cô Lựu")...
Ngoài tài diễn xuất, NSND Phùng Há còn có những đóng góp lớn vào việc đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận. NSND Phùng Há cũng là người khởi xướng xây dựng Khu dưỡng lão Nghệ sĩ ở quận 8, chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp - TP HCM.
Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, NSND Phùng Há vẫn tích cực tham gia các công tác từ thiện, đem niềm vui đến cho các gia đình nghèo.
Bình luận (0)