Có thể nói, trong số các nghệ sĩ cải lương, Tuấn Thanh là số ít người làm hai nghề khác nhau nhưng đều thành công. Thời điểm đó, Tuấn Thanh vừa là thầu xây dựng có tiếng lại vừa là nghệ sĩ sáng giá. Tuy nhiên, sau này Tuấn Thanh quyết định chọn sàn diễn, bỏ công việc thầu xây dựng để tập trung toàn lực cho nghệ thuật.
Dù cải lương còn nhiều khó khăn, sàn diễn ít sáng đèn so với thời hoàng kim nhưng nghệ sĩ này không tiếc trước quyết định của mình.
“Tôi cảm ơn tình thương vô bờ khán giả dành cho những người nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Tôi rất ít tham gia quay video cải lương, chỉ chú tâm đến sàn diễn. Hiện nay bên kịch, bên hài, các nghệ sĩ tham gia các game show, truyền hình thực tế, rời xa sàn diễn. Hậu quả, khán giả sẽ dần quay lưng với chính họ, khi họ không đầu tư tạo ra sản phẩm mới. Tôi mong sàn diễn có nhiều vở đỉnh cao, đó là một ước nguyện không chỉ của riêng tôi” - Nghệ sĩ Tuấn Thanh nói.
Nghệ sĩ Tuấn Thanh tên thật là Đặng Văn Đông, sinh năm 1953 tại Sài Gòn có cha là Đặng Văn Ngữ và mẹ Đặng Thị Nhân. Cả hai đều đã qua đời. Ông Đặng Văn Ngữ sinh thời là nhà kinh doanh bất động sản kiêm thầu xây dựng danh tiếng, biết sử dụng đàn cò, từng tham gia ban đàn ca tài tử của nhạc sĩ Hai Khuê ở đường Cao Thắng, quận 3.
Là "con nhà nòi" về xây dựng, nghệ sĩ Tuấn Thanh được cha truyền nghề từ nhỏ về bản vẽ, tính toán vật liệu xây dựng nhà... Năm 14 tuổi, ông đã tự kiếm ra nhiều tiền, giúp đỡ cho cha trong công việc gia đình. Ngoài xây dựng, nghệ sĩ này còn được cha mình đưa theo trong những buổi sinh hoạt đàn ca tài tử.
Năm 16 tuổi, Tuấn Thanh học thêm hai năm trong lớp cổ nhạc của danh cầm Văn Vĩ. Sau đó, ông được Lê Hoàng Nhi và ban cổ nhạc Ngọc Thạch – Văn Vĩ đưa đi hát ở đài phát thanh Sài Gòn.
Năm 17 tuổi, Tuấn Thanh tham gia các đoàn hát ở các tỉnh miền Tây như: Hồng Vũ, Hoa Đăng, Quy Sắc, Tuyết Hoa. Đến năm 1975, ông gia nhập đoàn hát Kiên Giang, đổi nghệ danh thành Thanh Thanh Tuấn, hát chung sân khấu với các nghệ sĩ: Hà Mỹ Hạnh, Đức Anh, Vương Tùng, Hề Phi Phi, hề Tẩu Tẩu.
Thanh Thanh Tuấn là kép chính các tuồng: "Hoa Mộc Lan", "Suối mơ rền pháo cưới", "Lưu Bình Dương Lễ", "Bên vòng tay mẹ", "Manh áo quê nghèo"….Thời gian này, ông được nhiều khán giả miền Tây ái mộ.
Năm 1977, Thanh Thanh Tuấn đổi nghệ danh thành Tuấn Thanh khi được đoàn cải lương Saigon 2 mời cộng tác. Ngôi sao cải lương Tuấn Thanh bắt đầu rực sáng trên bầu trời nghệ thuật khi được các nghệ sĩ giỏi nghề dìu dắt. Ông được nhắc nhiều qua vai chính trong các vở: "Tiếng hò sông Hậu", "Khách sạn Hào Hoa", "Tìm lại cuộc đời"
Năm 1980, ông và Mỹ Châu hát trên sân khấu đoàn Trúc Giang và trở thành cặp đôi ăn khách.
Năm 1987, Tuấn Thanh được đoàn Thanh Nga mời cộng tác, ông đứng chung sân khấu với Kiều Phượng Loan, Hương Huyền, Diệu Huê, Hoài Trúc Phương... và tạo dấu ấn qua các vở: "Thiên Phúc Hoàng Đế", "Nhiếp chính Ỷ Lan", "Đầm Tiên Sa", "Đường gươm dũng tướng"… Năm 1989, ông trở về sân khấu đoàn Saigon 2, hát chung với các nghệ sĩ: Diệu Hiền, Mỹ Châu, Văn Chung, Phi Thoàn, Tô Kiều Lan, Kiều Mai Lý.
Tuấn Thanh là kép trẻ thời đó được diễn chung sân khấu với các nữ diễn viên tài danh như: Phượng Liên, Ngân Hà, Ngọc Giàu, Hồng Nga và các nam diễn viên Minh Vương, Tấn Tài, Hoàng Giang, Hoàng Hải, Tám Vân…Đây là điều mà rất hiếm kép trẻ nào đạt được.
“Đó là cơ hội tốt để tôi được rèn luyện, học nghề từ những nghệ sĩ giỏi” – Tuấn Thanh nhận định.
Bình luận (0)