Có thể vụ Google mua lại Motorola Mobility mới đây đã khiến nhiều hãng sản xuất phần cứng như HTC lo ngại và có sự dè chừng khó tránh khỏi đối với nền tảng Android. Rõ ràng, không một ai cảm thấy thoải mái với ý nghĩ Motorola sẽ "hốt" trọn những gì hay nhất, tốt nhất của Android trước tất cả các hãng khác.
Tuy nhiên, HTC chưa bao giờ quá quan tâm đến việc phải được trang bị những gì mới nhất, tuyệt nhất của Android. Họ chỉ chú tâm trau chuốt, tỉa tót sản phẩm của mình để chúng hoàn hảo nhất. Đơn cử như chiếc máy tính bảng Flyer: nó đáp xuống thị trường với một phiên bản Android vốn dành cho smartphone, nhưng HTC đã khéo léo đè lên giao diện Sense độc quyền của mình để tạo ra một thiết bị hấp dẫn. Nó có thể cạnh tranh tốt với tất cả các tablet cài phiên bản Android mới khác trên thị trường.
Có thể các quan chức của HTC nghĩ rằng, việc sở hữu một nền tảng di động riêng sẽ giúp họ có những sự mở rộng cần thiết và tạo được bản sắc riêng cho mình trong một bãi chiến trường đông đúc. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó thì giao diện Sense đã hoàn thành một cách xuất sắc rồi.
Đó là những nguyên nhân nhìn từ chính nhu cầu nội tại của HP. Còn về hệ điều hành webOS mà HTC định mua thì sao?
Cũng như HTC, HP từng nuôi tham vọng lớn với nền tảng này. Nhưng hãy xem hãng PC số 1 thế giới đạt được gì, hay cuối cùng cũng phải tức tốc khai tử để bỏ của chạy lấy người?
Tuyên bố từ bỏ hoàn toàn webOS, bán tống bán tháo tất cả các dòng tablet và smartphone webOS với mức giá gần như cho không. Đúng là TouchPad hiện là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon.com, nhưng liệu HTC có thực sự mong một sản phẩm best-seller kiểu như thế chăng?
Hơn nữa, cũng không ai rõ liệu HP có sẵn lòng bán webOS hay không, ít nhất là với một mức giá vừa phải? Có thể hãng này sẽ muốn giữ webOS và toàn bộ các công nghệ độc quyền đi kèm làm của riêng (mà như ta đã biết, đây đều là những tài sản cực kỳ giá trị tại thời điểm này - Google mua lại Motorola Mobility cũng chủ yếu là để tiếp cận kho công nghệ độc quyền mà Motorola đang sở hữu).
Ngoài Palm và HP, chưa một ai biết đến webOS. Đó chính là những lý do khiến Samsung không ngần ngại phủ nhận mọi đồn đoán rằng hãng này có thể mua lại webOS hoặc MeeGo.
Xét về thế và lực, HTC đều không phải là "cá lớn" trên thị trường. Họ vẫn sống tốt khi dựa vào các đại gia phần mềm như Microsoft (Windows Mobile) hay Google (Android), nhưng thế và lực khiêm tốn sẽ vô cùng bất lợi khi HTC cố giới thiệu một nền tảng của riêng mình.
Trong quý III, HTC chỉ bán được 12,1 triệu smartphone trong khi con số này ở Apple là 20,3 triệu iPhone và 9,3 triệu iPad. Rõ ràng, về phạm vi và độ rộng, HTC chẳng là gì nếu so với các đại địch. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quy mô và sự phổ biến của các sản phẩm Apple - chứ không phải chất lượng của chính sản phẩm - mới là yếu tố thu hút giới phát triển ứng dụng. Sở dĩ Android có thể thu hút giới phần mềm là vì nền tảng này cũng ngày một phổ biến không kém gì iOS.
Nếu HTC bắt đầu bày bán một mẫu smartphone cài hệ điều hành riêng, họ dám nghĩ mình sẽ bán được bao nhiêu máy? Liệu doanh số có đủ cao để khiến giới phần mềm phải chú ý và dành thời gian phát triển ứng dụng cho nó? Nếu người dùng phải chọn giữa một con dế HTC với một con dế Android, họ sẽ quyết định thế nào? Câu hỏi này thật không khó để trả lời.
Đấy là chưa kể giới phần mềm còn sắp phải chia sẻ thời gian của họ cho những nền tảng mới sắp phát hành như Mango Windows Phone 7.5 hay QNX của RIM nữa.
Như vậy, lộ trình tốt nhất lúc này là hãy tiếp tục cải tiến Sense và tìm cách tùy biến Android, Windows Phone hơn nữa. Những công nghệ như đám mây, video di động, nhạc số... có thể sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho HTC. Vụ mua lại công nghệ âm thanh Beats Audio của Dr Dre mới đây cũng rất ấn tượng.
Đúng là Apple đã cho cả thế giới thấy việc kiểm soát tới từng chi tiết nhỏ của một chiếc smartphone hay tablet có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời đến thế nào. Nhưng nên nhớ, Apple chỉ có một mà thôi.
Bình luận (0)