Trong một thực tế iPhone là chiếc siêu di động ở phân khúc cao cấp thì vẫn còn đó vô vàn lý do khiến người dùng không thể tiếp cận phiên bản Quốc tế, dùng với mọi mạng di động và phải sử dụng bản lock.
Vì người nhà cầm về cho, biếu, tặng có; ham rẻ mua... nhầm có, và cả những người chủ đích mua máy iPhone lock baseband đời cao (chưa unlock được) giá rẻ chỉ để "găm hàng" chờ thời. Tựu trung những trường hợp ấy vẽ nên bức tranh của những con người yêu công nghệ nhưng lúc nào cũng sống trong cảnh thấp thỏm sợ phần mềm của iPhone bị... lock.
Cắt nghĩa rõ hơn về những chiếc iPhone lock là những sản phẩm mua theo gói thuê bao 2 năm của nhà mạng nước ngoài, với những ràng buộc về cước sử dụng và giá khởi điểm cũng rất rẻ, chỉ từ 100 đến 200 USD. Khi chưa hết 2 năm ấy, người dùng tuyệt nhiên không thể cắm SIM và dùng bình thường với nhà mạng Việt Nam.
Anh Anh Tuấn, du học sinh Mỹ cho biết: "Thực tình mình không muốn mua iPhone lock nhưng trót đăng ký cách đây 1 năm, giờ nếu phá hợp đồng thì phải đóng thêm nhiều tiền thì mới được unlock thành bản Quốc tế trong khi đã đến ngày về nước. Vậy là đành cầm máy lock về tìm cách bẻ khoá mà dùng".
Khi được đưa về Việt Nam, để có thể sử dụng với các nhà mạng nội địa, người dùng sẽ phải vận tới hàng tá thủ thuật thì mới có thể cắm SIM nghe gọi bình thường. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những thử thách của iPhone bản lock.
Việc sử dụng phiên bản bẻ khoá kiểu này sẽ đối mặt với những tình trạng như máy nhanh hết pin (do dùng SIM ghép), sóng mạng chập chờn hay 3G nhiều lúc không vào được. Đó là chưa kể tới việc cắm iPhone được bẻ khoá mềm, hoạt động ổn định thì khi vào iTunes thì bấm nhầm... nút update phần mềm, kết quả là máy lại bị khoá trở lại, baseband bị nâng lên cao hơn, đồng nghĩa với việc lại tiếp tục... "trùm mền".
Nhọc nhằn tìm cách "tung chăn" cho iPhone lock
Thống kê một cách đầy đủ thì iPhone lock hiện nay được chia làm 3 loại. Loại thứ nhất bị khoá bởi nhà mạng và chưa hoàn thành hợp đồng cam kết 2 năm; loại thứ 2 là đã trả đủ tiền nhà mạng nước ngoài để mua đứt nhưng vì lý do nào đó vẫn bị khoá; và loại thứ 3 là máy bị khoá bởi mạng CDMA và chỉ hoạt động trên nền CDMA.
Nếu như loại thứ 1 và 2 có thể có giải pháp để mở thì loại thứ 3 thuộc diện vô phương cứu chữa bởi không có khả năng mở mạng, mà dù có mở thì thì cũng chẳng dùng được ở Việt Nam bởi sự thoái trào của các nhà mạng CDMA như S-Fone, HT Mobile. Những chiếc máy dạng này chỉ là những phiên bản iPhone 4 và người dùng khi mua dòng máy này thường xác định tâm lý là mua một chiếc... iPod Touch màn hình đẹp, có GPS để sử dụng.
Đối với loại 1 và 2, dù trên thực tế có nhiều cách để unlock thì hiện nay các biện pháp bẻ khoá cũng không phải tối ưu và người dùng đều phải đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn với các cách bẻ khoá này.
Với phương thức bẻ khoá bằng phần mềm SAM, sau khi thực hiện các thao tác đánh lừa và kích hoạt SIM, người dùng chỉ có thể sử dụng duy nhất 1 SIM Việt Nam đối với máy và nếu muốn đổi SIM khác sẽ phải thực hiện lại các thao tác từ đầu - mà cách làm này thì đã bị Apple vô hiệu. Do đó, dù thực tế máy được unlock thì cũng chả khác gì máy lock bởi lẽ máy iPhone chỉ sử dụng được 1 SIM duy nhất đang cắm sẵn.
Gần đây, khi Apple ban hành quy định mới về việc mở khoá các phiên bản iPhone lock của mình, giới "đắp chăn" cũng được dịp sục sôi vì đây là cơ hội tốt mở khoá máy một cách chính thống sau thời gian dài mong ngóng.
Cách thức đơn giản chỉ là gửi email và gọi điện thoại tới số máy của nhà mạng AT&T để sau đó cắm cáp nối iPhone vào máy tính là được unlock. Vậy nhưng, không phải dân chơi nào cũng có thể "tung chăn" được, bởi đa số iPhone lock đem về Việt Nam đều thuộc dạng máy phá hợp đồng cam kết và đương nhiên không thuộc phạm vi mở mạng của Apple.
Chỉ có một số ít các máy thực hiện được thao tác unlock mềm kiểu này để lên bản Quốc tế và đa số toàn là những máy đã mua theo hình thức trả đủ tiền (khoảng 630 USD đến 600 EUR), giá khi mua đắt hơn cả giá máy mới tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, hội "đắp chăn, trùm mền" iPhone lại có dấu hiệu... lớn mạnh khi Apple tung ra firmware mới với baseband 04.12.01, vô hiệu hoá cả SIM ghép. Vậy là cuộc đua giữa mèo đuổi chuột liên tục diễn ra và có lẽ nó sẽ chỉ chấm dứt khi Apple ngừng bán iPhone bản khoá mạng.
Bình luận (0)