Sony Xperia S rớt giá thảm sau chưa đầy 1 tuần về Việt Nam
Về nhiều, bán.... chẳng được bao nhiêu
Điểm danh các siêu di động có mặt trong 2 đợt hội chợ đình đám vừa rồi là CES và MWC 2012, một điều dễ thấy là năm nay các hãng lần lượt trình làng hàng tá sản phẩm ngay từ đầu năm với con số ước tính lên tới 30,40 đầu máy, toàn nằm ở phân khúc cao cấp.
Ngay sau khi có mặt tại các sự kiện này, thị trường di động Việt Nam tháng 3 đã sớm đón nhận những lô hàng đầu tiên dưới hình thức hàng xách tay như LG Optimus Vu hay Sony Xperia S...
Về nhiều "bom tấn" là vậy, nhưng theo anh Đỗ Huy Khải, chủ cửa hàng di động cao cấp tại phố Thái Hà cho biết: "Mỗi model chúng tôi chỉ dám nhập 2,3 mẫu và đa phần đều do khách quen đặt trước, số còn lại xác định nhập để trưng bày và sẽ bán khấu hao theo độ giảm giá của thị trường".
Model máy mà cửa hàng này nhập về gồm Sony Xperia S và Motorola DROID 4, vốn là 2 siêu di động đình đám ra mắt tại đợt hội chợ công nghệ hồi đầu năm. Tuy nhiên, theo anh Khải thì: "Model Sony Xperia S vừa về giá sau khi trừ các khoản chi phí thì bán ra đã hơn 15 triệu, vậy mà chỉ sau vài ngày chúng tôi đã phải hạ giá xuống còn xấp xỉ 12 triệu mà cũng rất ít khách hỏi".
Anh Hữu Minh, khách hàng vừa mua Sony Xperia S tâm sự: "Vừa mua cái máy hơn 15 triệu mà chưa đầy 1 tuần đã mất giá 2 triệu thì cũng hơi 'xót'. Nhưng cái đáng buồn nhất là chức năng và thiết kế cầm tận tay rồi mới thấy...chán, vỏ nhựa ọp ẹp và giao diện Android nghèo nàn, máy ảnh thì vẫn không nhanh hơn iPhone 4S mặc dù có thể là chụp đẹp hơn. Thế này thì nếu hàng chính hãng về Việt Nam ai dám mua vì giá sẽ rất cao và rớt giá cũng...rất nhanh vì đó là phong cách của Sony".
Cùng chung tâm trạng của anh Minh, chị Lan Anh, khách hàng mua Samsung Galaxy Nexus - một trong những siêu di động của CES 2012 cũng không giấu nổi thất vọng: "Thấy máy được khen nhiều vì chạy HĐH Android 4.0 mới với giao diện trực quan hơn. Dùng được gần 1 tháng thì thấy nhiều lúc có tin nhắn đến máy không báo mặc dù đã đặt chuông, tìm trên mạng mới thấy thông tin là có một cơ số sản phẩm gặp lỗi này và buộc phải chờ bản update mới từ chính hãng mới may ra khắc phục được. Âu cũng chết vì cái tội ham mua máy 'bom tấn' của các kỳ triển lãm đình đám".
Còn anh Hoàng Khoa, chủ cửa hàng di động xách tay tại Lê Thanh Nghị, Hà Nội chia sẻ: "Năm ngoái mình nhập thử Motorola Droid RAZR về bán vì nghĩ siêu di động này vừa mỏng, vừa nhẹ để đón đầu trào lưu thời trang. Ai dè hàng nhập về bán không nổi, cuối cùng phải xả hàng. Bây giờ có khách đặt Motorola Droid 4 về tôi cũng không dám vì chắc chắn sẽ chẳng có khách nào mua".
Theo tham khảo thị trường, dù cùng nằm top siêu di động nhưng các dòng Motorola bán rất chậm nếu như không muốn nói không mấy khách quan tâm. Phần đông ý kiến cho rằng các sản phẩm này thiếu sự đột phá từ thiết kế cho tới các chức năng thời thượng như chụp ảnh đẹp, nghe nhạc hay NFC.
Dòng điện thoại Windows Phone của Nokia với nguy cơ nhãn tiền bị người dùng Việt thất sủng
Quý II đến, siêu di động có dám... về Việt Nam?
Điểm mặt những "bom tấn" sắp về Việt Nam hậu CES, MWC 2012 có thể kể đến những cái tên như LG Optimus Vu, Optimus 3D Max hay Nokia Lumia với giá bán chòm chèm từ 12 đến 18 triệu/máy.
Tuy nhiên, qua ghi nhận phản hồi từ các chủ hàng chuyên nhập các model di động cao cấp, hầu hết phản hồi đều không mấy mặn mà với các mẫu máy này.
Anh Thế Thành cho biết: "Nokia Lumia 900 chưa biết thế nào chứ 800 thì bán tệ lắm vì cái dớp điện thoại Windows Phone năm rồi, doanh số tệ vô cùng, lỗ vài triệu đến cả gần chục triệu/máy của các dòng HTC, Samsung. Nếu Nokia đem điện thoại Windows Phone chính hãng về Việt Nam thì tôi dám chắc sẽ chẳng mấy ai mua vì HĐH này còn quá nhiều hạn chế từ không có bộ gõ tiếng Việt cho đến kho ứng dụng còn thưa thớt như... chùa bà Đanh".
Mạnh dạn đầu tư vào thị trường điện thoại 3D không kính, năm rồi LG Optimus 3D cũng không gặt hái được thành công như kỳ vọng ngoài một vài giải thưởng phụ, mang tính "bệnh thành tích". Chính vì vậy, khi LG Optimus 3D Max được giới thiệu tại Mobile World Congress 2012, nhiều khách hàng đánh giá siêu di động "bình cũ rượu ít mới" này của LG sẽ khó đạt được thành công ở thị trường trong nước và đương nhiên nó cũng nằm ở danh sách những model...không được ưu tiên nhập về.
Giá chót vót, LG Optimus Vu sẽ khó tiếp cận thị trường trong nước
LG Optimus Vu - chiếc điện thoại với màn hình lai giữa tablet và smartphone cũng ở cảnh tiến thoái lưỡng nan trong tâm lý của chủ hàng di động. Chị Minh Huyền, chủ một chuỗi cửa hàng di động cho biết: "Mới nghe báo giá gần 900USD mà đã chán không muốn nhập vì thương hiệu cũng như chức năng của dòng máy này không thực sự nổi trội. Đi cùng mức giá cao như vậy, LG Optimus Vu rất khó cạnh tranh, nhất là khi Quý II ra mắt nhiều tablet và smartphone mới với cấu hình cao và chức năng tốt hơn, mức giá thì tương đương, thậm chí rẻ hơn".
Anh Trịnh Hà Khang, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho biết: "Trước bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, việc các mẫu di động cao cấp nhập về Việt Nam muốn đạt sức tiêu thụ tốt là rất khó nếu như không muốn nói là chìm xuồng bởi các sản model của năm ngoái vẫn có chức năng tương đương, dùng tốt tới thời điểm này".
Còn anh Hoàng Việt, khách hàng đam mê công nghệ "thay máy như thay áo" cũng tỏ ra trầm lắng: "Chiếc Samsung Galaxy Note tôi mua cuối năm ngoái vẫn dùng tốt, phần cứng thậm chí tương đương với siêu di động vừa ra mắt đợt hội chợ rồi. Thế nên nếu Galaxy Note 10.1 inch về Việt Nam tôi cũng chẳng thiết đổi, hoặc tôi sẽ chờ iPhone mới hoặc Galaxy S III thì 'lên đời' một thể".
Một mùa ảm đạm của giới bán lẻ công nghệ đang đến gần, và câu hỏi liệu rằng Quý II năm nay sẽ có bao nhiêu siêu di động vừa trình làng trên thế giới được nhập về Việt Nam có lẽ không khó để tìm câu trả lời.
Bình luận (0)