Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời là bước tiến quan trọng của chính sách môi trường với quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ.
Chủ động chuyển đổi
Bà Nguyễn Thị Trà My - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN - cho rằng thực hiện EPR đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) đi theo con đường phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, giữ gìn cho tương lai. Để hạn chế sản xuất bao bì, sản phẩm chứa chất độc hại, khó tái chế, các công ty thành viên của tập đoàn đã ưu tiên sử dụng hóa chất thân thiện hơn với môi trường, tuyệt đối không dùng hóa chất cấm trong danh mục mà Tổ chức Thương mại thế giới khuyến nghị hoặc tiêu chuẩn tương đương.
"Chúng tôi xây dựng các chương trình tái chế, tái sử dụng, thu gom, đổi trả để quay vòng dùng bao bì, sản phẩm, qua đó hạn chế tối đa thải ra môi trường. Thiết kế bao bì cũng chú trọng thể hiện thông tin hướng dẫn người sử dụng cuối biết cách phân loại, tái chế và thải bỏ phù hợp" - bà My thông tin.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), cho biết đã mạnh dạn nghiên cứu, sản xuất ống hút từ rau, củ thương hiệu ECOS, thay vì dùng nguyên liệu nhựa. Các loại ống hút một lần của HTX có thể dễ dàng phân hủy, không gây hại cho môi trường. Mỗi tháng, HTX sản xuất 3-5 triệu ống hút, trong đó xuất khẩu 1 triệu ống sang thị trường châu Âu. HTX cũng đang đẩy mạnh xúc tiến sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Mục tiêu duy nhất của tôi là đi theo con đường phát triển bền vững, truyền cảm hứng để nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi. Người tiên phong bao giờ cũng khó khăn nhưng tôi hy vọng nhiều nhà hàng, quán cà phê... của Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng ống hút xanh. Tôi cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ các HTX, DN đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng" - "ông Tám nông dân" bày tỏ.
Đáng chú ý, mới đây, sau khi lên sóng chương trình "Thương vụ bạc tỉ" (Shark Tank Việt Nam), sản phẩm ống hút rau, củ ECOS của HTX Nông nghiệp Sông Hồng đã được 2 nhà đầu tư là ông Nguyễn Văn Thái - đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thái Hương (shark Thái) và bà Lê Mỹ Nga, Chủ tịch Quỹ WeAngels Capital, thẩm định và ký kết thỏa thuận đầu tư 11 tỉ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn PAN nhờ chiến lược và thực hành chuyển đổi xanh bền vững nhất quán cũng đã lọt vào "mắt xanh" của nhiều tổ chức, như quỹ TAEL Partners, PYN Elite Fund, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)... Bà Nguyễn Thị Trà My cho hay tập đoàn đã huy động được 200 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có khoảng 30 triệu USD vốn xanh. "Rõ ràng nếu đầu tư bài bản, làm tốt thì tiền sẽ đến" - bà My đúc kết.
Giảm tiêu thụ điện, phát thải
Có dịp tham quan nơi sản xuất của Công ty CP Dược phẩm OPC mới đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất hiện đại của nhà máy dược gần 50 năm tuổi này. Với quy mô lên đến 5,6 ha, nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn GMP-WHO, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn trong sản xuất dược phẩm.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC, khẳng định DN cam kết đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững. Áp dụng các tiêu chí "xanh" vào sản xuất, vận hành, công ty có kế hoạch rõ ràng từ việc nghiên cứu bao bì tái chế, phân loại và xử lý chất thải đến tiết kiệm điện, nước... Trong đó, do đặc thù bao bì của sản phẩm dược phải đáp ứng tiêu chí kỹ thuật nên DN chủ yếu sử dụng chai thủy tinh, sau đó là chai pet (nhựa dẻo) để thuận tiện vận chuyển.
"Chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu - phát triển (R&D) với Trung tâm R&D giai đoạn 2 tại trụ sở ở TP HCM. Mục tiêu là thu hút nguồn lực, số hóa toàn bộ dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu" - bà Hương tiết lộ.
Trong ngành mỹ phẩm, Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cũng chú trọng đầu tư vào sản xuất xanh để ra mắt thị trường những sản phẩm có yếu tố xanh, đạt chất lượng, an toàn. Chẳng hạn, với việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo, SCC đã giảm được hơn 10% lượng điện năng tiêu thụ, góp phần giảm nhiệt độ tòa nhà, bảo vệ môi trường và giảm bớt tác hại của hiệu ứng nhà kính.
Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing SCC, cho biết công ty còn đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ và tự động hóa theo công nghệ và thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản. Nước thải phát sinh được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành 24/24, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đã có khoảng 50% DN trong ngành thực hiện xanh hóa sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế. Đơn cử, Công ty TNHH Dệt may Trung Quy đã đầu tư hơn 270 tỉ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nổi bật là ứng dụng công nghệ cao để sản xuất xanh.
Ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, cho biết nhuộm là một trong những khâu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất. Để giải quyết, công ty đã đầu tư công nghệ nhuộm gió (air-dyeing) giúp tiết kiệm 60%-70% nước sử dụng và giảm hóa chất.
Công ty cũng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại, nhờ đó không chỉ giảm lượng nước thải ra môi trường mà còn có thể tái sử dụng nước, giúp giảm tiêu thụ nước lên tới 40%... Song song đó là sử dụng các nguyên liệu bền vững như vải sợi hữu cơ, sợi tái chế; ưu tiên sử dụng sợi sinh học từ thiên nhiên với khả năng phân hủy sinh học, ít gây hại cho môi trường.
Nhờ những bước đi chiến lược trong chuyển đổi xanh, Công ty TNHH Dệt may Trung Quy đã "bỏ túi" nhiều chứng nhận quốc tế như GOTS, GRS..., thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Úc và ở châu Âu...
Cần cơ chế sandbox
Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất đối với DN khi chuyển đổi xanh là chi phí đầu tư để chuyển đổi quy trình sản xuất và nguồn nguyên liệu bền vững. Bài toán đặt ra là làm sao vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững vừa cung cấp được sản phẩm đạt chất lượng với giá thành hợp lý. Đại diện DN này kiến nghị nhà nước có tiêu chuẩn cụ thể về sản phẩm xanh, từ đó DN có thể tự tin công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh khác biệt với sản phẩm thường.
Theo ông Bùi Quang Thịnh, chuyên gia giải pháp bao bì bền vững của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, để thúc đẩy các sáng kiến tuần hoàn nhựa cũng như xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa, cần có sự tham gia và hợp tác từ mọi thành viên trong hệ sinh thái, bao gồm các cơ quan thiết lập chính sách, DN, nhà đầu tư và chủ sở hữu ý tưởng, giải pháp.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, góp ý để đẩy mạnh chuyển đổi xanh bền vững, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành nghị định cơ chế thử nghiệm (sandbox) phát triển kinh tế tuần hoàn gồm nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Quan trọng không kém là hỗ trợ DN về công nghệ, tiếp cận trái phiếu xanh, tín dụng, mô hình chuyển đổi...
Không dễ chuyển đổi hành vi
Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, một cuộc khảo sát mới đây của hội với gần 400 hộ gia đình tại TP HCM và Hà Nội cho thấy mức độ phổ biến của tiêu dùng xanh chỉ đạt 12%-18%.
Rào cản lớn hiện nay là sản phẩm xanh có giá cao, độ bao phủ còn hạn chế; thiếu thông tin định hướng, chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, người tiêu dùng còn phàn nàn về việc hàng hóa không có chất lượng đúng như cam kết của nhà sản xuất, khiến lòng tin giảm sút.
Đáng chú ý, người tiêu dùng cho biết sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh. Mức chi trả tăng thêm phổ biến là 5%-10% so với sản phẩm thông thường.
A.Na
__________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-10
Bình luận (0)