icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyên gia kinh tế có đề xuất mới về nâng mức giảm trừ gia cảnh

PGS-TS Ngô Trí Long

(NLĐO)- Theo chuyên gia kinh tế, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo công bằng và thích ứng với biến động giá cả

Trong bối cảnh giá cả leo thang, mức sống của người dân đang bị thu hẹp do tác động kép của lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng. Việc Bộ Tài chính đưa ra hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là động thái kịp thời và cần thiết.

Chuyên gia kinh tế có đề xuất mới về nâng mức giảm trừ gia cảnh  - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2026. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, lựa chọn phương án nào không đơn thuần là một quyết định kỹ thuật tài khóa, mà còn là một thông điệp chính sách về sự chia sẻ, công bằng và khả năng thích ứng của hệ thống thuế đối với biến động kinh tế - xã hội.

Giảm trừ gia cảnh chưa theo kịp CPI, người lao động chịu thiệt kép

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc, mức này được điều chỉnh lần gần nhất vào năm 2020. Kể từ đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trên 15%, và thực tế chi phí sống, nhất là tại các đô thị lớn đã tăng mạnh hơn do giá nhà, y tế, giáo dục và thực phẩm leo thang.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chi tiêu bình quân đầu người khu vực thành thị hiện vào khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng, riêng tại TP HCM và Hà Nội, mức này có thể cao hơn nhiều. Như vậy, thu nhập 11 triệu đồng không còn đảm bảo mức sống tối thiểu cho một cá nhân độc lập, nói gì đến khả năng nuôi người phụ thuộc.

Việc duy trì mức giảm trừ cũ đồng nghĩa với đánh thuế lên phần thu nhập đáng lẽ phải được bảo vệ, phần để duy trì cuộc sống tối thiểu. Điều này không chỉ làm sai lệch nguyên tắc công bằng trong đánh thuế mà còn dẫn tới hệ quả "lạm thu ngầm" từ người lao động - nhóm đáng lẽ phải được Nhà nước chia sẻ gánh nặng chứ không phải gánh chịu thêm.

Chiết trừ gia cảnh: Cần lựa chọn phương án đảm bảo công bằng và thích ứng với biến động giá cả - Ảnh 2.

PGS-TS Ngô Trí Long

Tại dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án về điều chính mức giảm trừ gia cảnh. Phương án thứ nhất, mức giảm trừ cho cá nhân nộp thuế được đề xuất tăng lên 13,3 triệu đồng/tháng (tương đương 159,6 triệu đồng/năm), trong khi mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án thứ hai đưa ra con số cao hơn, với mức giảm trừ cho người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (tức 186 triệu đồng/năm) và 6,2 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.

Phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh thể làm giảm thu ngân sách nhưng lại là lựa chọn phù hợp khi nhìn từ lăng kính công bằng xã hội. Bởi mục tiêu chính của thuế TNCN không phải là tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách, mà là công cụ điều tiết thu nhập, góp phần tái phân phối của cải và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, 70 - 80% tổng thu từ thuế TNCN đến từ nhóm thu nhập trung bình - cao.

Do đó, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu chính mà chủ yếu giúp giảm gánh nặng cho người lao động phổ thông, lực lượng đang chịu nhiều tổn thương nhất bởi chi phí sinh hoạt tăng cao.

Cần thiết lập cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tự động

Vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ nằm ở con số bao nhiêu triệu đồng, mà còn là cách thức và tần suất điều chỉnh. Việc để 5 - 10 năm mới cập nhật mức giảm trừ gia cảnh một lần là không còn phù hợp trong điều kiện kinh tế biến động nhanh và lạm phát có thể tăng bất ngờ.

Cần thiết lập cơ chế điều chỉnh tự động, ví dụ nếu CPI tăng vượt 10% trong vòng hai năm liên tiếp, thì mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh tương ứng. Đây là thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, nơi chính sách thuế được thiết kế để thích ứng linh hoạt và không làm méo mó thu nhập thực tế của người dân.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại hệ thống bậc thuế lũy tiến hiện hành. Hiện tại, mức thuế suất 20% đã áp dụng với thu nhập sau giảm trừ từ khoảng 25 triệu đồng/tháng, một con số không còn phản ánh đúng mức "thu nhập cao" trong điều kiện giá cả đô thị. Việc này có thể làm méo mó động lực lao động, hạn chế khả năng tích lũy của tầng lớp trung lưu và làm suy yếu tầng lớp đóng vai trò "xương sống" của nền kinh tế.

Giảm trừ gia cảnh không đơn thuần là con số trong công thức tính thuế. Đó là cam kết chính sách về mức sống tối thiểu mà Nhà nước bảo hộ cho mỗi công dân. Việc điều chỉnh kịp thời và hợp lý chính là cách xây dựng niềm tin xã hội vào tính công bằng, minh bạch và chia sẻ trong chính sách thuế.

Một hệ thống thuế hiện đại không chỉ thu đúng, thu đủ, mà còn phải thu công bằng, chia sẻ đúng lúc và đúng đối tượng. Trong bối cảnh người lao động đang phải "thắt lưng buộc bụng", điều họ cần không chỉ là trợ cấp nhất thời, mà là một hệ thống thuế biết đồng hành, biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Trên cơ sở đó, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh và coi đây như một bước tiến quan trọng hướng đến cải cách toàn diện thuế TNCN. Đây không chỉ là "bài toán chi tiêu" của ngân sách, mà còn là "bài kiểm tra niềm tin" của người dân vào chính sách công. Với động thái này, Nhà nước không chỉ đang điều chỉnh con số, mà đang điều chỉnh quan điểm: từ "ưu tiên thu đủ" sang "thu đúng, thu công bằng". Và đó mới là tinh thần cải cách mà người dân mong đợi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo