Phòng tập tuềnh toàng, các loại máy, thiết bị tập cũng cũ kỹ theo thời gian nhưng ông Dũng vẫn lạc quan như thể ngày đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân rụt rè đến nhờ hướng dẫn các phương pháp tập vật lý trị liệu. Những người không may gặp vấn đề về cột sống, tai biến, biến chứng do tiểu đường hay tai nạn xe cộ, tai nạn lao động… bảo nhau tìm đến đây để không phải tốn thêm chi phí điều trị khi đời sống còn khó khăn.
Sẻ chia ấm lòng
Thời trẻ ưa thích võ thuật và ham tập tành thể thao, chàng trai Trần Văn Dũng lang thang theo sới vật, võ đài khắp các tỉnh miền Trung để thử sức.
Ông Dũng có cơ duyên thọ giáo một nhà sư chuyên về trị bệnh bằng phương pháp dân gian, chủ yếu bấm huyệt, nắn cơ xương khớp và tập vận động. Rồi một lần chứng kiến người bạn thân vật vã đau đớn vì tai biến, ông nhận ra học mà không hành sẽ rất uổng phí.
Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi được trao trọng trách Trưởng Bộ môn kiêm HLV trưởng đội tuyển tạ - thể hình TP Đà Nẵng, ông Dũng mạnh dạn hỏi thuê khu đất gầm khán đài sân vận động Chi Lăng, vừa làm nơi tập luyện cho vận động viên, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình khi đồng lương công chức quá eo hẹp.
Phòng tạ - thể hình dần thành hình với các trang thiết bị cơ bản, ông Trần Văn Dũng quyết định trợ giúp miễn phí cho các bệnh nhân đến tập trị liệu hồi phục. Bộ môn Tạ - Thể hình Đà Nẵng gặt hái được rất nhiều thành tích đáng chú ý ở các đấu trường Đông Nam Á, châu Á và thế giới, cũng là lúc phòng tập miễn phí của ông Dũng được nhiều bệnh nhân nghèo biết đến.
Trước và sau giờ tập của đội tuyển tạ - thể hình Đà Nẵng hai buổi sáng chiều mỗi ngày, phòng tạ sân Chi Lăng lại đón hàng chục người với đa dạng tiền sử bệnh đến tập hồi phục. Đều đặn gần 30 năm qua, ông Dũng không nhớ nổi đã giúp bao nhiêu người nhưng chứng kiến niềm vui họ khi sức khỏe tiến triển tốt, ông Dũng rất vui và hạnh phúc.
Tận tâm với người nghèo
"Bệnh nhân đến đây đều là những người bị tai biến để lại di chứng lớn, thậm chí có trường hợp đã bị liệt nửa người. Đặt mình trong hoàn cảnh của những người bệnh, mới thấu hiểu được sự đau đớn và nỗi cô độc của họ" - ông Dũng tâm sự.
Từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày ông Dũng tiếp 30 - 40 người bệnh, ân cần hỏi han rồi cứ như thế, đồng hành trong suốt quá trình hỗ trợ phục hồi cho họ. Khác với việc tập luyện cho vận động viên, việc hỗ trợ cho người bị di chứng sau tai biến khó khăn hơn nhiều. Kinh nghiệm làm HLV thể thao đỉnh cao giúp ông Dũng rất nhiều trong việc hỗ trợ bệnh nhân vì hiểu rõ tâm sinh lý, nắm bắt quá trình chấn thương, bệnh tình của họ để có hướng tập phục hồi phù hợp.
Nằm liệt giường 13 năm sau cơn tai biến mạch máu não, khi được giới thiệu về phòng tập sân Chi Lăng, ông Đặng Dũng (60 tuổi, TP Đà Nẵng) đến nay đã có 4 năm kiên trì tập phục hồi, đến nay đã có thể đi lại bình thường. Ông thậm chí có thể tự đạp xe đến và ra về.
"Phòng tạ ông Dũng" cũ kỹ nhưng chưa từng vắng bóng bệnh nhân, ngày ít thì khoảng 20, ngày đông thì 30-40 người. Ai ở xa và điều kiện đi lại, tập luyện khó khăn thì ông Dũng đến tận nhà trợ giúp, không ngại khó khăn.
Mong được cống hiến nhiều hơn
Từng là một bệnh nhân bị vỡ xương khá nặng, sau giai đoạn điều trị ở bệnh viện rồi được ông Dũng hỗ trợ bằng những bài tập phục hồi tích cực, ông Nguyễn Văn Hậu (50 tuổi, TP Đà Nẵng) đã hoàn toàn bình phục và có thể tự đi lại như trước.
Thấu hiểu và cảm thông với những người có cùng cảnh ngộ, ông Hậu quyết định mỗi ngày vẫn đến, vừa tiếp tục tập luyện vừa giúp đỡ những bệnh nhân mới. "Sau vụ tai nạn, tôi trải qua 2 lần mổ và phải ngồi xe lăn. Năm 2019, tôi bắt đầu tập luyện tại phòng tạ ông Dũng và sức khỏe đã hồi phục dần. Ân tình đó quá lớn và 4 năm qua, tôi vẫn đến đây để tiếp sức ông Dũng trong việc hỗ trợ các bệnh nhân khác tập luyện" - ông Hậu bộc bạch.
Với nhiều người, "phòng tạ ông Dũng" không chỉ mang đến phép mầu cho những bệnh nhân nghèo mà nơi đây còn ấm áp tình thân, kết nối những người xa lạ, giúp nhau vượt qua nỗi đau của bệnh tật. Tiếng nói cười rộn ràng khắp căn phòng, sự quan tâm, những lời động viên của ông Dũng là nguồn động lực giúp các bệnh nhân khác kiên trì và quyết tâm tập luyện.
Từng nhận được lời mời làm việc ở một bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, ông Dũng từ chối vì muốn được tiếp tục công việc giúp đỡ mọi người, như tâm nguyện thời trẻ. Về hưu năm 2022, ông càng dành nhiều thời gian hơn cho việc hỗ trợ bệnh nhân. Khu đất gầm khán đài sân Chi Lăng, đoạn mặt tiền Ngô Gia Tự, nhiều lần bị đơn vị chủ quản đánh tiếng lấy lại. Thế nên, điều mong mỏi lớn nhất của ông Dũng là được TP Đà Nẵng quan tâm, tạo điều kiện thuê một mặt bằng rộng rãi, khang trang hơn để ông và mọi người có thể cống hiến nhiều hơn, giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn...
Bình luận (0)