Nỗi lo bị giăng dây
Mới tất tả lo mua gạo mắm, rau thịt trên mạng để đủ ăn trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, giờ một tảng đá lớn lại đè lên ngực tôi: Nỗi lo bị giăng dây phong tỏa do có ca mắc Covid-19.
Rất may, kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy gia đình tôi đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Thấy ngột ngạt, tôi ra lan can hít chút khí trời thì phát hiện nguyên đoạn đường đã bị giăng dây, người dân vẫn xếp hàng chờ tới lượt test.
Người dân ở lô A chung cư Vườn Lài xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm sáng 19-7
Gia đình bị phát hiện dương tính đầu tiên của chung cư chính là mối lo: Người chồng đi thu tiền điện nước, vợ quét dọn vệ sinh chung cư và người con trai là tài xế xe ôm công nghệ đã lên cơn sốt mấy ngày.
Một "chốt trực" dã chiến xuất hiện rất nhanh ở hiên nhà đối diện, với các anh công an, dân phòng cùng vài ba cái ghế nhựa. Thế nhưng, tình hình không hề đơn giản, ba hồi lại có tiếng xin xỏ, cự cãi ì xèo ở dưới. Lúc thì bà cụ lãng tai nhào ra đường tùy ý, khi thì một người đàn ông không chấp hành khoảng cách, đòi đánh cả nhân viên y tế. Buổi chiều, người đi làm cả ngày muốn về lại chung cư, người ở trong đòi ra ngoài mua đồ… gây cảnh náo loạn.
Đêm đó, tôi kiểm lại đồ ăn trong nhà, thấy thịt đủ nhưng có vẻ thiếu rau củ, trong lòng lại lo lắng. Cư dân toàn người già, điện thoại thông minh còn không biết dùng, đừng nói đặt hàng online. Rồi 3 tuần tới sẽ ra sao?
Chúng tôi được ở nhà nhưng có những người vẫn phải làm việc trong mưa lạnh
Đêm đó trời mưa to. Dưới ánh đèn, mưa trắng xóa góc đường, hai anh – một công an và một dân phòng - ngồi dưới mái hiên lạnh cóng. Giây phút đó, tôi quên hết mình xui xẻo thế nào, lần đầu gác chuyện cơm nước, rau củ, thịt cá qua bên, quan sát trong cảm phục lẫn bất lực. Tôi bàn với chồng hay mình gửi xuống ít bánh quy, trái cây và nước lọc cho mấy anh ăn khuya ấm bụng. Chồng bảo giờ mình là ổ dịch, ai dám nhận đồ ăn, đành thôi.
Sáng hôm sau, tôi xem trên các hội nhóm và tìm được chỗ bán vịt, liền mua một con trả tiền qua ví điện tử. Do việc nhận hàng trực tiếp thời điểm này quá nguy hiểm cho hai bên, chồng tôi liền nghĩ ra cách nối dây võng thả xuống để chú giao hàng cột lại, rồi kéo vịt lên. Điều này làm chú giao hàng thấy vui hơn nên trước khi rời đi, chú tặng nhà tôi ngón tay cái - biểu tượng "number 1".
Tình người ấm áp
Từ ngày bị phong tỏa, chung cư tôi không còn cảnh nhậu nhẹt, hát karaoke, trộm cắp... Tiếng đàn piano của chú nhạc công khiếm thị ở nhà đối diện nghe rõ hơn.
Sáng ngày thứ ba phong tỏa, tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa của bà chị hộ pháp cùng tầng, kêu mọi người xuống nhận quà cứu trợ từ phường và các nhà hảo tâm. Chị này thường ngày miệng phát ra toàn lời khó nghe, chửi chồng đánh con như cơm bữa, vậy mà hôm nay bỗng trở nên tốt bụng nhiệt tình!
Món quà hỗ trợ đầu tiên là 10 kg gạo, dầu ăn, nước tương...
Rồi ai cũng có phần kèm tiếng cười nói râm ran. Quà là 10 kg gạo, dầu ăn, nước tương, gói bánh và mớ khẩu trang. Vậy là mấy người nghèo khó không lo thiếu ăn rồi. Tuy nhiên, khi mở tủ thấy rau củ cạn dần, mặt tôi méo xẹo: "Có gạo, có cá khô rồi, giờ rau củ đâu cho nhóc con đủ chất?".
Dường như "vũ trụ" nghe thấy nỗi lòng của tôi. Sáng hôm sau, mới 6 giờ 30, tổ trưởng dân phố gọi các hộ cử đại diện xuống dưới tiếp tục nhận "quà cứu trợ". Đó là mấy ký cải bẹ để muối chua, cải thảo, một quả bí ngòi siêu to khổng lồ, củ sắn và 5 trái thanh long.
Phần rau củ, trái cây hỗ trợ mà tôi nhận được
Bày mớ "quà" ra mẹt tre, lòng tôi rưng rưng nghĩ tới những chuyến hàng từ các tỉnh gửi cho người dân TP HCM. Thanh long có quả còn nhỏ xíu, cải đã dập nhiều, bí ngòi cũng sứt mẻ nhưng có sao đâu! Chắc chúng đã được lặt vội hái non, rồi vượt một quãng đường thật xa để đến đây.
Sáng đó, cả chung cư tôi dù cửa đóng vẫn í ới hỏi nhau cách nấu canh củ sắn và muối dưa vàng ngon. Hòa trong không khí đó, chỉ chực nghe tiếng gõ cửa xin muối, tôi đã đẩy qua cánh cửa sắt một bịch lớn, dù nhà chỉ còn một hũ nhỏ. Không sao, tôi có thể mua hàng online và "câu muối" lên lầu mà!
Dù tôi đã chuyển khẩu vào TP HCM được vài năm nhưng hôm nay, một bác hỏi tôi địa chỉ nhà để Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam hỗ trợ. Tôi xin từ chối vì đã đủ đầy.
Trên các group thôn xã ở quê nhà huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam của tôi (chắc các quê hương khác cũng y vậy), những người mẹ, người cha vẫn cần mẫn vác gạo, chở bí tới những điểm quyên góp cho người TP HCM.
Sống trong tình người ấm áp, những ngày giãn cách xã hội đang trôi qua nhanh với chúng tôi. Xin lan truyền sự ấm áp này đến mọi người!
Bình luận (0)