Và rồi "kỳ lân công nghệ" (tech unicorn) Việt Nam đầu tiên cũng xuất hiện, đó là VNG, vào năm 2014, khi thương hiệu mới 10 tuổi đời này (lúc đó) đáp ứng được hàng loạt tiêu chí khắt khe. Từ đó, biểu tượng thành công mang tên VNG lan tỏa rộng khắp.
Hành trình trở thành "kỳ lân công nghệ" của VNG bắt đầu từ một quán cà phê game PC. Vào khoảng năm 2004, khi Công ty VinaGame mới ra đời một tháng, vốn liếng chỉ có 60.000 USD mà founder Lê Hồng Minh cùng 4 cộng sự trẻ đã dám đặt bút ký với đối tác nước ngoài hợp đồng trị giá 160.000 USD đưa game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam. Nhờ đàm phán khéo, được chấp nhận đặt cọc 50.000 USD (tức là lúc này VinaGame chỉ còn vỏn vẹn 10.000 USD trong tài khoản ngân hàng), cú tất tay đó đã sớm giúp VinaGame thành công vang dội với tựa game này.
Bước ngoặt lớn và thú vị ấy mở ra một hành trình tươi sáng của VinaGame, để thương hiệu công nghệ thuần Việt này tiếp tục viết thêm những kỳ tích với rất nhiều cái đầu tiên, rất nhiều cái nhất đáng tự hào.
Ngoài việc ghi dấu là công ty công nghệ Việt phát hành game online đầu tiên (Võ Lâm Truyền Kỳ, series Sword Heroes Fate của Kingsoft) với thành công đột phá 300.000 PCU chỉ sau một tháng, đồng thời trở thành công ty đầu tiên đàm phán thành công với đối tác quốc tế và phân phối game bản quyền tại Việt Nam vào năm 2005, hai năm sau (2007), VinaGame khánh thành trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam (VINADATA, về sau đổi tên thành VNG Cloud). Năm 2010, nhận thấy các lĩnh vực của công ty đã "nở nồi", CEO Lê Hồng Minh đổi tên VinaGame thành VNG và cho ra mắt (open beta) game dã sử Thuận Thiên Kiếm, đây là game MMO mang thương hiệu Việt đầu tiên tại Đông Nam Á. Cú gây choáng của VNG phải nói là sự kiện năm 2012: Công bố trình làng Zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động.
Cùng với hàng loạt quyết định thành công khác, vào năm 2014, VNG được World Start-up Report định giá 1 tỉ USD, trở thành kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam.
Chỉ mất 10 năm để trở thành kỳ lân, đó là điều không dễ đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt. Mãi tới năm 2023, Việt Nam chỉ có 4 kỳ lân (VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo), là đủ hiểu nỗ lực và tầm vóc của VNG lớn thế nào. Và một thập kỷ sau kể từ năm 2014 là khoảng thời gian những bước chân kỳ lân VNG thăng hoa với nhiều thành công vang dội trong nước và quốc tế.
Trong khoảng thời gian này, VNG mạnh dạn mở văn phòng/ studio tại nhiều khu vực trên thế giới, liên tục cho ra mắt những tựa game "bom tấn" với mục tiêu nâng cấp trải nghiệm người chơi tại Việt Nam ngang tầm các khu vực trên thế giới. Tổng lượt tải các sản phẩm game của studio MPS (thuộc VNG) từ năm 2019 đến nay đã hơn 261 triệu, phát hành thành công 41 tựa game trên thị trường toàn cầu. VNG cũng đầu tư tự sản xuất game mobile để phát hành ra thị trường quốc tế. Đáng chú ý, năm 2018, game mobile eSports Mobile Legends: Bang Bang do VNG phát hành trở thành tựa game đầu tiên trong 6 môn thể thao điện tử được chọn thi đấu tại SEA Games 2019 ở Philippines.
Ấn tượng mạnh là sự phát triển hệ sinh thái Zalo. Sau Zalo, vào năm 2015, ví điện tử ZaloPay ra đời. Ngoài ra, trợ lý ảo đầu tiên của Zalo mang tên Kiki cũng khai sinh vào năm 2020. Đến nay, Zalo đã có hơn 75 triệu người dùng thường xuyên, hơn 10.000 cơ quan nhà nước dùng Zalo kết nối với người dân, trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam. "Ví điện tử quốc dân" ZaloPay trong năm 2023 đã ghi nhận cột mốc tăng trưởng hơn 14 triệu người dùng thường xuyên. Về trợ lý giọng nói Kiki trên ô tô, tới nay đã cán mốc 500.000 lượt cài đặt. Đặc biệt, công ty chủ quản ví điện tử ZaloPay là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong bảng xếp hạng tốp 200 công ty fintech toàn cầu do CNBC công bố…
VNG không giấu tham vọng trở thành đơn vị hàng đầu về dịch vụ chuyển đổi số. Hiện thực hóa tham vọng ấy, hẳn không khó, khi nhìn vào bảng thành tích 20 năm đáng nể của "kỳ lân công nghệ" Việt đang có gần 4.000 nhân sự làm việc này!
Năm 2023, VNG có tên trong danh sách "Top 5 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc
tốt nhất" tại Việt Nam, do Cơ quan toàn cầu về Văn hóa nơi làm việc (Great Place To Work® - GPTW) xếp hạng.
Bình luận (0)