Người đầu tiên làm nghề này là ông Trần Văn Truyền (50 tuổi; ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ngày trước, ông Truyền là một thợ may, khi lấy vợ thì nghề này không đủ nuôi sống cả nhà.
Nghĩ đến việc mình có khả năng làm đồ chơi nên ông Truyền quyết định mày mò làm các con vật để bán. Ban đầu ông làm con rùa, tới chuột, heo, rồi từ từ đến mấy con khó hơn như cá sấu, bồ câu.
CLIP: Làng nghề đồ chơi dân gian ở Cần Thơ tuy khá "non trẻ" nhưng nghề này đã nuôi sống nhiều gia đình
"Đem mấy sản phẩm bán trước cổng trường, nào ngờ học sinh mua nhiều lắm, rồi phụ huynh cũng mua về cho con chơi. Thấy thế, vợ chồng tôi quyết định là làm số lượng lớn và đem bán ở nhiều địa phương" – bà Đặng Thị Ly (vợ ông Truyền) kể.
Nguyên liệu để làm ra đồ chơi dân gian gồm: mút xốp (loại sản xuất giày), dây kẽm, chỉ, dây thun, sơn, nhưng quan trọng nhất là đất sét. Đất sét được ông Truyền đi lấy ở các bờ sông, sau đó về nhào nặn thành dạng hình trụ rồi đem phơi.
Sản phẩm rất đa dạng và đẹp mắt
Mút xốp cắt theo mẫu được cố định bằng dây kẽm, sơn phết màu lên để ra hình thù con vật. Sau đó, để xuống dưới bụng con vật một khối đất sét được cố định bằng dây. Khi hoàn thành, con vật có thể di chuyển theo động tác do con người kéo sợi dây được gắn trên sản phẩm.
Bà Ly chia sẻ: "Mấy chục năm trước, những món đồ chơi này bán đắt dữ lắm. Có tháng bán 5.000-7.000 con là chuyện bình thường. Chồng tôi chở thùng đồ chơi lên tận TP HCM, khi thì Cà Mau để bán. Thu nhập khá giả, tôi còn mua vàng để dành và nuôi con ăn học. Vì vậy, dù làm xuyên suốt cả ngày lẫn đêm, tay đau, lưng mỏi, hoặc xa xôi mấy 2 vợ chồng vẫn cố gắng làm".
Thấy thế, nhiều người xung quanh đến học cách làm, dần dần hình thành nên làng nghề.
Hiện nay, do nhiều loại đồ chơi điện tử phát triển, nên số lượng đồ chơi dân gian của hộ bà Ly bán ít hơn trước, vào khoảng 1.000-1.500 sản phẩm/tháng. Mỗi con vật có giá từ 5.000-25.000 đồng, với số lượng bán ra như trên, gia đình bà Ly phải làm thêm vườn, trồng hoa mới đủ sống.
Hiện tại, còn rất ít hộ gia đình tiếp tục theo nghề làm đồ chơi dân gian. Tuy nhiên, trong các dịp lễ, Tết thì sản phẩm này vẫn cháy hàng. Chính vì vậy, nhiều hộ tại đây tiếp tục bám nghề để phát triển kinh tế gia đình.
Song song đó, làng nghề cũng mở cửa cho khách đến tham quan, trải nghiệm và đã thu hút một số lượng du khách đáng kể.
Bình luận (0)