Anh N. (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ với Báo Người Lao Động về một vụ lừa đảo mà anh vừa gặp phải.
Cụ thể, anh N. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0948 247 544. Người gọi tự xưng là Lê Trọng Đạt, thuộc PC03 Công an quận Bình Thạnh, TP HCM và thông báo rằng anh N. đã để lộ thông tin thẻ tín dụng, dẫn đến việc bị liên đới trong một vụ án do một lãnh đạo ngân hàng thực hiện.
![CLIP: Một kịch bản đe doạ lộ thông tin thẻ tín dụng- Ảnh 1. CLIP: Một kịch bản đe doạ lộ thông tin thẻ tín dụng- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/14/thien-y-co-mieu-1739517153842263927801.png)
Để tăng tính thuyết phục, Đạt mô tả chi tiết ngoại hình của đối tượng và cảnh báo rằng không chỉ anh N. mà nhiều người tại TP HCM cũng đang gặp tình huống tương tự. Trong suốt cuộc gọi, Đạt liên tục nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ việc, yêu cầu anh N. hợp tác để "làm rõ" và tránh bị xử lý hình sự. Sau đó, người này hướng dẫn anh cung cấp số tài khoản ngân hàng để "kiểm tra giao dịch" và yêu cầu chuyển tiền để "xác minh tài chính".
CLIP: Một kịch bản đe doạ lộ thông tin thẻ tín dụng
Nghi ngờ lừa đảo, anh N. liên hệ tổng đài ngân hàng – nơi anh mở thẻ tín dụng, để xác minh. Phía ngân hàng khẳng định không cung cấp thông tin bảo mật khách hàng cho bất kỳ ai, trừ chính chủ tài khoản hoặc theo yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan chức năng. Đại diện ngân hàng cảnh báo khách hàng cần cảnh giác với các cuộc gọi giả danh, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản.
Theo anh N., thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, kết hợp đe dọa và thuyết phục để tạo tâm lý hoang mang. Anh khuyến cáo mọi người nên cảnh giác, đặc biệt với các cuộc gọi tự xưng cơ quan chức năng và yêu cầu cung cấp thông tin tài chính.
Bộ Công an cảnh báo tình trạng lừa đảo giả danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp ngày càng tinh vi, phổ biến trên không gian mạng. Các đối tượng thường sử dụng công nghệ cao để giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, VKS, gọi điện đe dọa nạn nhân đang bị điều tra, yêu cầu kê khai tài sản, chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP để "xác minh".
Thủ đoạn lừa đảo này đánh vào tâm lý lo sợ, khiến nhiều nạn nhân mất cảnh giác, đặc biệt là những người ít cập nhật thông tin, thiếu kiến thức về bảo mật và tố tụng. Kẻ gian còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật, tránh kiểm chứng thông tin hoặc báo công an.
Bộ Công an khẳng định, các cơ quan công an chỉ làm việc trực tiếp hoặc gửi văn bản triệu tập, không xác minh hay điều tra qua điện thoại, mạng xã hội. Người dân cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng khi nhận được các cuộc gọi đáng ngờ.
Bình luận (0)