Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều gia đình người đồng bào Vân Kiều ở miền núi tỉnh Quảng Trị tất bật làm bánh A - yớh. Đây là loại bánh độc đáo, dùng để đãi khách quý trong ngày Tết và các dịp trọng đại như cưới hỏi.
Người đồng bào Vân Kiều làm bánh A - yớh đãi khách quý ngày Tết
Ông Hồ Ngọc Tình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), cho biết theo phong tục tập quán của người Vân Kiều, trong mâm cúng tổ tiên mỗi dịp cưới hỏi, lễ Tết đều không thể thiếu món bánh A - yớh. Bánh tượng trưng cho những điều tốt đẹp nhất, sự thủy chung, son sắt và nghĩa tình.
Nguyên liệu làm bánh A - yớh rất đơn giản nhưng các công đoạn làm bánh lại đòi hỏi phải kiên trì, chú tâm. Người được chọn cho việc giã bánh là những phụ nữ, đàn ông có sức khỏe tốt.
Theo đó, muốn làm bánh A - yớh thì phải chuẩn bị gạo nếp, mè đen (vừng) và muối hạt.
Nếp được đãi sạch, ngâm qua một đêm rồi hong trên bếp than. Còn mè đen đem trộn với một ít muối rồi cho lên bếp rang đều, đến khi tỏa mùi thơm phức thì ngừng rang. Sau khi xôi chín được cho vào cối giã cùng với mè đen.
Để bánh dẻo, mịn, khi giã phải đều tay. Giã đến khi xôi và mè hòa chung thành một màu đen thì lấy ra rồi dùng tay phết đều lên mâm cho đến khi bánh được vun đều, tròn đầy thì thôi.
Bánh A - yớh ăn ngon nhất là lúc vừa mới làm xong, có thể ăn kèm thịt nướng và rau rừng. Ngày xưa, người Vân Kiều quan niệm bánh A-yớh chỉ thần linh mới được hưởng thụ. Nhưng sau này, họ sử dụng bánh A-yớh thường xuyên hơn trong các lễ cưới, lễ hội, ngày Tết và ai cũng được thưởng thức.
"Theo phong tục của người dân tộc Vân Kiều, trong ngày cưới, nhà gái phải gùi bánh A-yớh và xấn (váy) qua nhà trai để làm lễ tiễn con gái về nhà chồng. Bất kỳ một đám cưới nào của người Vân Kiều không thể thiếu bánh A-yớh, phải có bánh này thì mới được phép tổ chức các lễ tiếp theo" - ông Hồ Ngọc Tình, tường tận.
Bình luận (0)