Chuyển đổi số (CĐS) là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển thời đại. Đó là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân, tổ chức về lối sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Việc sử dụng công nghệ số để thay đổi cách tổ chức hoạt động trong mọi lĩnh vực sẽ đem lại hiệu quả, tạo giá trị mới, nâng cao hiệu suất.
Nhận thức phải đồng bộ
TP HCM là một trong những địa phương triển khai CĐS khá sớm, đạt kết quả tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, kết quả CĐS của TP HCM vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình CĐS, TP HCM cần có những giải pháp đồng bộ.
Trước hết, làm tốt công tác truyền thông về quá trình CĐS, tạo ra nhận thức đồng bộ trong đời sống xã hội. Mặc dù hiện nay nhiều người dân thành phố đã tham gia mua bán online, các dịch vụ số hóa... nhưng bản chất của CĐS, chiến lược CĐS của cả nước nói chung và đề án của thành phố nói riêng, rất nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ.
Với tư cách người dân vừa là người thụ hưởng lợi ích từ CĐS vừa là trung tâm của CĐS, đòi hỏi người dân phải nhận thức đầy đủ về CĐS, từ đó tích cực hợp tác, chủ động mua sắm thiết bị tham gia. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân hiểu về CĐS không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm của chính quyền mà còn là của mỗi công dân. Nhận thức CĐS phải đồng bộ với những chiến lược quốc gia: Chiến lược Chính phủ số, chiến lược kinh tế số và xã hội số, chiến lược an toàn, an ninh mạng, chiến lược dữ liệu số, chiến lược hạ tầng số, chiến lược công nghiệp công nghệ số.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ ở các lĩnh vực. Gắn trách nhiệm và nghĩa vụ CĐS đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Cán bộ không gương mẫu đi đầu thì mọi hiến kế tích cực cũng không thể có hiệu quả.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
TP HCM là một bộ phận trong hệ thống CĐS quốc gia. Mỗi bước thực hiện CĐS của TP HCM phải tuân thủ chủ trương chung của cả nước, chiến lược quốc gia, dựa vào nền tảng số quốc gia nhằm bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ với quá trình CĐS của quốc gia.
Tuy nhiên, với vai trò là thành phố đầu tàu của cả nước, CĐS của TP HCM cũng phải có bước đi riêng, có những lĩnh vực sẽ CĐS trước. Chính phủ cần tạo điều kiện cho thành phố thực hiện để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển riêng của thành phố và của cả nước. Khi thành phố thực hiện thành công, Chính phủ lấy đó làm nền tảng số cho các tỉnh thực hiện, giảm bớt ngân sách CĐS.
CĐS là quá trình thay đổi lớn về văn hóa, gắn liền với sự phát triển con người và xã hội, vì thế cần lựa chọn những lĩnh vực cần thiết, cốt lõi, nền tảng để thực hiện trước. CĐS cũng là công việc đòi hỏi chi phí tốn kém, mặt khác tạo ra sự thay đổi toàn diện về lối sống, cách làm việc, những hiệu ứng như giảm nhân lực, thay đổi thu nhập, áp lực công việc... nên cần tính toán, cân nhắc lĩnh vực chuyển đổi. Việc đầu tư ngân sách tràn lan, dẫn đến tình trạng không có trọng tâm, trọng điểm thì hiệu quả sẽ không cao, gây lãng phí xã hội.
CĐS là quá trình cập nhật tri thức mới, sự kiện mới, dữ liệu mới... tạo ra hiệu quả mới không ngừng. Yêu cầu trong đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, tránh tư tưởng, thái độ bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, cản trở sự sáng tạo. Ngoài tự tìm hiểu, học tập của mỗi cá nhân, chính quyền, các ngành, các cấp, các đơn vị… cần kịp thời, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, cập nhật thông tin, dữ liệu mới nhất. Có như vậy mới tạo ra phong trào học tập, rèn luyện không ngừng trong kỷ nguyên số hóa.
Kỷ nguyên số hóa là kỷ nguyên trí tuệ con người được phát huy vai trò cao nhất. Dù máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến cũng chỉ là phương tiện thực hiện những hệ thống lập trình do con người tạo ra. Nhà lãnh đạo ngoài việc dùng số hóa để quản lý con người, công việc, cần biết truyền cảm hứng, xây dựng đạo đức, văn hóa mới trong kỷ nguyên số, khơi dậy tiềm năng trí tuệ, cảm xúc cho con người củng cố đam mê, mở rộng sáng tạo. Từ đó, sáng tạo ra những ý tưởng mới về quản lý xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ xã hội... hiệu quả hơn, tối ưu hơn.
Tránh việc biến con người thành một chi tiết của hệ thống số hóa, lệ thuộc vào số hóa mà không phải là chủ nhân của số hóa, làm giảm tính nhân văn, giảm mối quan hệ người với người. Nền kinh tế số, kinh tế tri thức, đô thị thông minh... được kiến tạo không chỉ dựa vào phương tiện là công nghệ thông tin hiện đại mà dựa vào tri thức. Chính quyền thành phố cần xây dựng nhiều hơn nữa những câu lạc bộ, trung tâm văn hóa, giải trí cộng đồng trong đời sống dân cư, tránh tình trạng thành lập nhóm hội họp tự phát vừa tốn kém thời gian, tiền của mà hiệu quả kinh tế - xã hội thấp.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 5 - đợt 2
Đợt 2 bắt đầu nhận bài từ ngày 11-3-2024. Dự kiến đến 2-9-2024, Ban Tổ chức sẽ tiến hành chấm và trao giải kết quả cuộc thi đợt 1 và đợt 2.
Trước đó, từ ngày 2-9-2023 đến 10-3-2024, cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 5 - đợt 1 với 2 chủ đề chính: "Làm gì để Cần Giờ trở thành một động lực mới phát triển TP HCM" và "Giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM" đã đăng hơn 50 bài dự thi.
Quản lý dân cư trên nền tảng số
TP HCM đông dân, số lượng dân cư di chuyển lớn, nhiều thành phần. Với đặc điểm ấy, việc quản lý dân cư dựa trên nền tảng số là yếu tố quyết định đến sự thành công của chuyển đổi số. Cần tăng cường quản lý dân cư di chuyển cơ học, kịp thời hướng dẫn, xử lý việc CĐS của họ để quá trình CĐS của thành phố được đồng bộ.
Bình luận (0)